Toan Ánh
24
sang các ông đồ khác. Rồi cụ đồ Hải cũng nghỉ dạy, cụ Tú
Lâm ít lâu cũng hết học trò.
Trong làng chỉ còn cụ đồ Lĩnh và Cử Cương. Hai cụ vẫn
bền gan với đạo Thánh tuy số học trò chẳng còn được bao
nhiêu. Hai cụ gặp nhau thường nói chuyện: “Đã đành rằng
đạo Thánh đến lúc suy, nhưng mình cần phải cố đeo đuổi
để gìn giữ lấy cái luân thường đạo lý của Khổng Nho chứ”.
Trường Phủ ngày một mở mang rộng thêm. Số học trò một
ngày một đông. Bố mẹ học sinh đua nhau cho con đi học
quốc ngữ và nghỉ học chữ nho. Cũng còn nhà còn lưu luyến
chữ của Thánh nhân thì ngày thứ năm, chủ nhật lại bắt con
học thêm Hán tự. Tuy vậy lũ trẻ tuy có đến học các ông đồ,
chúng cũng chẳng chăm chú gì.
Rồi ở làng Xuân Mỹ, ông Cử Cương cũng dồn nốt học trò
sang xóm Đông cho cụ đồ Lĩnh. Hai trường dồn một mà số
học trò cũng chỉ vỏn vẹn non hai chục đứa. Than ôi! Thời
phồn thịnh nay còn đâu! Nhớ lại hồi xưa, buổi học năm bảy
chục đứa, ầm ĩ năm gian nhà, nào đọc, nào viết, nào kẻ, nào
tô, nào làm câu đối, nào thử phú thơ; ngày nay đâu còn như
xưa nữa. Non hai chục học trò, đứa nào đứa nấy còn mũi quệt
ngang, học mỗi ngày vài bốn chữ không đủ nhớ. Sở dĩ bố mẹ
chúng cho chúng học các cụ đồ là cốt để chúng dạn dần, cho
lên học trường Phủ sau.
Cụ đồ Lĩnh cũng biết vậy, nhưng cụ vẫn vui lòng, chuyên
tâm vỡ lòng cho lũ trẻ thơ, cụ nói: “Nhân chi sơ, tính bản
thiện, lũ trẻ còn non dại mình phải ghi ngay cái đạo đức của
Á Đông cho chúng có căn bản, rồi sau này, dù chúng có tiêm
nhiễm cái rởm của cuộc đời mới, cũng có một chút gì gìn
giữ cho chúng đỡ sa ngã”. Số học sinh vài chục đứa của cụ
sút dần, rồi chỉ còn vài bốn đứa. Cụ đồ Lĩnh vẫn kiên gan
dạy chúng.