25
Tiết tháo một thời
Cụ căm giận trường Phủ không biết bao nhiêu. Cái bả vật
chất của chữ quốc ngữ đã cám dỗ được biết bao đệ tử của
làng Nho. Mỗi lần trong làng có một người đậu về Tây học
được bổ đi làm, cụ đồ lại thở dài: “Thế là đạo lý còn đâu
nữa. Cái mồi phú quí nó đã giết hết cái lương tri của con dân
Việt Nam rồi”.
Cụ quyết chí cạnh tranh với trường Phủ. Ngoài vài bốn trẻ
nhỏ vẫn theo học cụ và lũ con cụ, lẽ tất nhiên là chẳng học
gì chữ quốc ngữ, cụ muốn có thêm học trò. Cụ bắt cụ bà mua
thêm giấy mực rồi cụ dụ lũ trẻ chăn trâu trong làng đến học.
Ban đầu thấy được giấy bút, lũ trẻ này đến học cũng đông,
có lẽ đến bốn năm chục đứa. Cụ đồ Lĩnh nói chuyện với bạn
Nho đã có lần kiêu hãnh bảo: “Các cụ xem, đạo Thánh hiền
đâu chịu thua lũ bút chì”. Nhưng lũ trẻ chăn trâu sau vì bận
việc, và vì thấy đi học không phải là chuyện dễ dàng nên
cũng thôi dần.
Cụ đồ Lĩnh vẫn không nản. Đối với những đứa nào đến học,
không những cụ phát giấy bút, cụ còn cho ăn một bữa cơm.
Cụ bảo: “Ganh nhau với vật chất, phải lấy vật chất mà ganh”.
Sợ học trò bỏ nốt cụ mà đi học chữ Tây, cụ thường dạy:
“Ở đời con người chỉ ở cái nhân cách, chỉ ở cái đạo đức.
Học chữ Tây là lối học vô nhân vô đạo, các con phải coi
chừng”. Nhà cụ đồ cũng như trăm nghìn cụ đồ khác chẳng
giầu có gì, lại hàng ngày cho lũ trẻ ăn, nên cụ phải bán
ruộng để lấy tiền. Cụ bà phàn nàn, cụ gắt: “Bà tính đạo
lý mà mất thì ruộng nương có làm gì!” Cụ cố muốn duy
trì Hán học, nhưng số phận xui khiến, công cụ chỉ vô ích.
Biết vậy cụ không hề nản. Khi cụ hết tiền, không thể cung
cấp bữa cơm cho học trò nữa, chúng lại bỏ cụ dần. Về sau
chỉ còn trơ lũ con cụ. Cụ vẫn chẳng nản lòng. Cụ dạy lũ
con. Hoặc có khi cụ tự viết son, rồi lại tự tô lên như để
nhớ một thời dĩ vãng.