Toan Ánh
28
U tôi không nói gì, nhưng xem ý, u tôi không muốn tôi
biết những chuyện của người lớn làm gì. Nhiều lần trí non
nớt của tôi muốn tò mò biết gì về ông ngoại tôi, tôi hỏi, u
tôi đều gạt đi nói rằng: “Con hỏi làm gì. Cậu con đấy chỉ vì
biết chuyện cũ của ông đấy!”
Cậu tôi ngày ấy dính dáng đâu vào mấy vụ bãi khóa, mấy
vụ truyền đơn, bị kết án mười năm khổ sai. Bà ngoại tôi, khóc
đã khô nước mắt, ông tôi vẫn điềm nhiên bảo: “Làm tài trai
đền nợ nước, có gì mà bà phải khóc. Bà phải nên mừng vì
con nó đã hiểu hai chữ nước nhà!”
Hai chữ nước nhà, ngày ấy tôi có hiểu là gì đâu! Hiểu
nghĩa hai chữ nước nhà mà phải bắt giam, đối với tôi thật
khó hiểu quá!
Nhưng dần dần gần gũi ông tôi nhiều, tự tôi đã hiểu ông
tôi và hiểu rõ cả nguyên do vì đâu cậu tôi phải bị bắt.
Một hôm ông tôi lấy trong rương ra một thanh kiếm sắt đã
rỉ nhưng trông rất sắc và rất nặng cho tôi xem. Ông tôi bảo:
“Cháu có hiểu thanh kiếm này ở đâu không? Thanh kiếm này
là của ông Bang Tốn tặng ông hồi trước đây. Cháu nhìn kỹ
mà xem những vết gỉ này có phải hoen lẫn máu không? Ấy là
máu của bọn lường thầy phản bạn, quên nước, quên vua chỉ
nghĩ đến vinh thân phì gia, mà ngày xưa quân của ông Bang
Tốn từng bắt gặp giết đi để trừ hại cho dân Việt, để rửa hờn
cho lòng người Việt. Chính ông ngày xưa, ông cũng đã được
chém vài bốn tên vong ơn bội nghĩa ấy!”
Tôi ngạc nhiên! Người hiền lành như ông tôi lại giết người
sao. Tôi ngây thơ hỏi: “Làm sao ông lại chém người ta?”
- “Còn làm sao nữa! Thế cháu không nhớ ông nói chuyện
về quân Cần Vương khởi nghĩa của ông Bang Tốn, của ông
Đề Thường ở Hưng Yên, Thái Bình hay sao? Những toán
quân Cần Vương ấy, tuy xưa thất bại nhưng cũng làm cho
quân giặc nhiều phen táng đởm kinh hồn. Ông Bang Tốn sau