toàn cách-biệt. Ai là không đau-đớn, ai có thể thản-nhiên trước cảnh tử-biệt
của người thân.
Bà con, chị em, họ hàng cũng khóc-lóc đau thương. Tiếng khóc vang
dội một quảng đường. Nhiều người đi xem cũng mủi lòng rơi lệ.
Đám tang đi từ từ dần dần, bước một.
Sau chiếc bạch-mạc với con cháu ông đồ là tất cả bạn-bè hàng xóm
láng giềng, người quen thuộc, học-trò cũ mới của ông đồ. Nghĩa tử là nghĩa
tận, ai cũng muốn đi đưa ông đồ một quãng đường tới nơi an-nghỉ cuối
cùng.
Sau cùng là các cụ bà cùng nhau đội một chiếc long-kiều bằng vải vừa
đi vừa niệm Phật tụng kinh để cầu cho hương-hồn ông đồ được siêu-sinh
tịnh-độ.
Long-kiều là một chiếc cầu vải, có chữ nhà Phật.
Những người theo Phật giáo, các bà già đi quy, lúc chết được các bà già
đồng-đạo đi đưa, đội chiếc long-kiều có ý muốn cầu chúc cho người chết
mau tới cõi Phật.
Các cụ bà vừa đi vừa niệm Phật. Tiếng niệm Phật lâm-râm, nhưng
không át nổi tiếng khóc xót-thương của con cháu.
Đám tang đi, đi chậm chậm từ đầu đến cuối, và tạm ngừng khi tới nhà
trạm.
Đàn-bà trẻ con đi xem cũng rầm-rộ tiến theo đám tang. Và cũng có
những người đàn ông nữa. Đàn ông thì đọc và phê-bình những đôi câu đối,
câu nào hay, câu nào nhiều ý-nghĩa, câu nào lắm điển v.v…
Còn đàn-bà thì nghe người nhà đám khóc rồi cùng nhau bàn tán. Nào
tiếng khóc của bà đồ thì thảm-thiết, tiếng khóc của Tiệp thì não-nùng, còn
tiếng khóc của vợ Vinh thì thờ-ơ. Những tiếng khóc nhạt như nước lã là của
các bà cô bà dì, chỉ có chiều dài chẳng có chiều thương.
Trẻ con chạy theo đám phường tuồng dẫn đường để xem họ hát và nhảy
múa. Chúng cùng nhau cũng chỉ trỏ như người lớn.