Một ông đồ cần phải hay chữ, điều đó đã đành, nhưng muốn học trò
học được tấn tới, lại cần phải dữ đòn. Ngọn roi mây là yếu tố thúc đẩy để
các trò nhỏ chăm học.
Ngọn roi mây của ông đồ Ngư hằng ngày được luôn luôn làm việc. Mỗi
trò nhỏ không thuộc bài là ông bắt nằm sấp xuống và cho hưởng một chập
roi mây. Các trò biết lệ, không bao giờ dám cưởng. Nếu trò nào vì sợ quá
không muốn nằm, lập tức các trò khác được lệnh vật trò nầy xuống để ông
đồ đánh.
Theo những tiếng ngọn roi vun vút là những tiếng « Con lạy thầy ! Ối !
Con lạy thầy ! »
Đánh một trò xong, thầy học bao giờ cũng nhắc lại : « Đã đi học thì
phải chăm học, không chịu học phí công thầy dạy lại còn tốn tiền của cha
mẹ, chẳng thà ở nhà đi chăn trâu còn hơn ».
Lần lượt hết trò nhỏ tới trò lớn đọc bài. Khi học trò đã đọc bài xong
ông đồ mới bắt đầu chấm câu rồi giảng bài cho các trò lớn. Lúc giảng bài,
các trò nầy đặt sách trước mặt ông đồ vừa đọc vừa giảng nghĩa. Ông đồ lim
dim cặp mắt ngồi nghe, chỉ khi nào học-trò giảng sai ông mới sửa lại.
Buổi học kéo dài cho tới giờ Ngọ. Các học trò chăm chú học vui vẻ
lắm.
Lúc gần tan học, học trò xếp sách viết lại để ông đồ chấm. Ông lại dùng
bút son để chấm bài cũng như khi ông chấm câu bài học.
Những chữ viết đẹp được khuyên đỏ, còn những chữ viết xấu hoặc
thiếu nét đều bị xổ toẹt. Sau khi khuyên xổ, ông đồ cho điểm từ nhất tới
thập. Hơn nhau một điểm, một vòng khuyên, học trò đều sung-sướng. Tinh
thần ganh đua tràn ngập giữa mọi anh em, ganh đua trong thân-thiện, ganh
đua trong cố gắng.
Những học trò giỏi được ông đồ khen ngợi, những trò kém được
khuyến khích.
Trò nào lười biếng bị đòn và còn bị khoanh mép bằng mực đen.