Trước đây, các cô rất quý mến Tiệp, và Tiệp đối với các cô cũng thân
mật. Mối tình bạn gái giữa mấy người thiệt đằm thắm, nhưng ít ngày trước
khi Tiệp nghỉ học, các cô hình như xa dần Tiệp. Tiệp đối cới các cô vẫn luôn
luôn vồ-vập niềm-nở. Các cô không bàn bạc văn bài với Tiệp, một điều gì
vô hình như chia rẽ các cô và Tiệp.
Tiệp rất lạ-lùng trước thái độ của bạn mình. Nàng cố tìm hiểu vì đâu
bỗng dưng giữa nàng và các bạn như có một sự thờ-ơ ghẻ-lạnh. Nàng thấy
mình không làm điều gì đáng để cho các bạn giận. Nàng băn-khoăn và cố
tìm cách thân mật với các bạn hơn, nhưng sự cố gắng của nàng không thay
đổi được thái-độ hững hờ của Hoài và Thảo.
Sự thật Hoài và Thảo không ghét Tiệp, nhưng các cô không ưa sự ân
cần của Khoan đối với nàng.
Sự ân cần ấy chứng tỏ một cảm tình, và cảm tình ấy, Hoài và Thảo đều
muốn Khoan dành cho mình. Hai cô hằng tự-phụ mình không kém gì Tiệp,
về nhan-sắc cũng như về gia-thế, Hoài và Thảo đều là con nhà giàu. Các cô
được đi học vì nhà các cô dư dả, và không như ở các gia đình khác, con gái
không được học nhiều, phải ở nhà săn-sóc công này việc khác giúp đỡ mẹ
cha.
Cùng học với Tiệp và trình độ học suýt soát như Tiệp các cô tự coi
mình cũng như Tiệp và Khoan không được có một cảm-tình đối với Tiệp
nặng hơn đối với các cô.
Trong lòng cô nào cũng thầm mong Khoan để ý riêng tới mình, và sau
này nếu duyên số run-rủi sẽ được là người bạn trăm năm của Khoan.
Các cô không được Khoan riêng để ý tới. Khoan lại chỉ chăm-chú hỏi
han tới Tiệp, các cô đâm ra ghét Tiệp và tỏ thái độ ghẻ lạnh với nàng.
Khoan càng săn-sóc tới Tiệp, các cô càng tìm cách để lôi kéo Khoan
cho xa Tiệp và gần các cô hơn.
Các cô luôn luôn bắt Khoan giảng bài, nhờ Khoan về văn sách.