Ông Chánh-Tổng hãnh diện khoe với mọi người : « Đã lo vợ cho còn
ngại chi tốn. Tôi muốn làng nước trông vào, xem con tôi có ế vợ không ».
Ý ông muốn nhắc tới việc từ-chối của ông đồ Ngư, không gả Tiệp cho
Thúc, và ông có ý so-sánh đám ăn hỏi của con mình với đám ăn hỏi của
Khoan.
Ông nói : « Tôi đã làm gì phải đường-hoàng, nhất là truyện vui mừng
của con cái không lúi-sùi được ».
Thúc cũng hãnh-diện về sự sang-trọng của nhà mình. Có như thế chàng
mới trả thù được Tiệp. Đám ăn hỏi của Khoan đã cử-hành rất giản-dị, bì sao
được với đám ăn hỏi linh-đình của chàng.
Thảo cũng mát mặt. Lấy chồng có cưới hỏi to-tát vẫn hơn.
Với đồ lễ của nhà ông Chánh-Tổng, nhà gái đã đủ chia khắp làng, nhà
thân thì bánh trái, nhà sơ thì chè cau.
Mấy cô em Thảo cùng với mấy cô cháu họ lĩnh việc đi chia phần.
Tới đâu các cô cũng nhắc lời : « Chị Thảo chúng cháu sắp ra ở riêng,
thầy u cháu gọi có chút trầu cau kính biếu ông bà ».
Chia phần cưới có ý nghĩa báo cho dân làng biết là con gái mình có
cưới xin. Nhiều người khi gả con bỏ sót một thân-thuộc bạn bè nào không
chia phần cưới thường bị trách-móc : « Nhà bác có tin mừng mà không cho
chúng tôi được ăn trầu ».
Việc chia phần cưới rất cần ở nơi thôn xã, vì vậy nên những gia-đình
nào dù không sung-túc cũng phải có trầu cau chia cho bạn-hữu thân-quyến
khi có việc vui mừng cưới gả.
Dân làng Kim-Đôi bàn tán nhiều đến đám ăn hỏi sang trọng của Thúc.
Người ta so-sánh với đám ăn hỏi của Khoan. Có người chê, cũng có người
khen. Cưới con hay khoe của ? Việc hôn nhân cần có đủ lễ thì thôi, cần đâu
phải linh-đình. Cốt làm sao cho đôi trẻ thương yêu nhau.
Sự so-sánh đến tai Khoan và Tiệp. Tiệp cũng như Khoan đều cho đó là
một sự thường. Nhà ông Chánh-Tổng lắm tiền ông cứ việc chi tiêu, còn nhà