Ông bà Chánh-Tổng thấy con buồn cũng thương, và cũng hơi oán ông
đồ Ngư sao lại quá vin vào số mệnh để từ-chối không gả Tiệp cho con trai
ông bà.
Bà Chánh-Tổng bảo Thúc : « Bây giờ con Tiệp nó sắp lấy cháu ông
Khóa Hữu, con cũng phải lấy vợ cho nó hiểu rằng con lấy đâu cũng được vợ
cứ gì phải lấy nó ».
Thấy lời mẹ nói cũng phải, và cũng muốn như ganh đua với Khoan,
Thúc xin mẹ cưới Thảo cho mình.
Bà Chánh-Tổng thấy Thảo cũng mỏng mày hay hạt, con nhà giàu, lại là
bạn học của Thúc ưng ý ngay. Bà hỏi Thúc : « Có phải con Thảo cùng học
với con không ? Con ông bà Phong xóm dưới chứ gì ».
Bà lại nói : « Con ấy, u trông còn hơn con gái ông đồ nhiều. Nhà nó lại
giàu có, sau này con cố có chút công danh nữa, lo gì không hơn thằng
Khoan. Con gái ông đồ lấy thằng Khoan rồi tha hồ lo ăn chạy gạo. Nhà nó
nghèo xác-sơ, đâu bằng được nhà mình ».
Bà Chánh-Tổng chỉ so sánh tiền của, so sánh địa-vị, bà cũng như tất cả
mọi người cùng thế-hệ quan niệm hôn nhân ngoài tình yêu.
Thúc thấy lời mẹ nói cũng đúng, nhưng Thúc vẫn thấy ghen-tị với
Khoan. Thúc có thể có địa-vị sau này hơn Khoan, giàu có hơn Khoan nhưng
chàng vẫn cảm thấy không lấy được Tiệp là kém Khoan, Thúc cũng lại cảm
thấy dù chàng có giàu có đến đâu, có công-danh trong làng trong Tổng,
nhưng so sánh với Khoan, chàng vẫn tự thấy kém ở một điểm nào. Có lẽ
Khoan sẽ nghèo, nhưng Khoan văn hay chữ tốt, Khoan sẽ dạy-học và Khoan
sẽ được sự kính-trọng của người trong làng ngoài xã.
Ông Chánh-Tổng cũng đồng ý với vợ về việc cưới Thảo cho Thúc.
Ông nói : « Hay lắm. Mình thông gia với nhà ấy cũng môn-đăng hộ-
đối. Nhà mình giàu có danh giá, phải kén vợ cho con ít nhất cũng vào hạng
con cái ông bà Phong. Cái thằng Thúc nó cứ lẩn-thẩn mê say con Tiệp, chứ
nhà ông đồ Ngư đâu bằng được nhà này. Nhà người ta nào nhà ngói cấy mít,
nào sân gạch vườn hoa, lại sẵn của ăn của để, ruộng lắm nương nhiều ».