Tiệp cũng đến mừng Thảo như các bạn đồng học khác, nhưng nàng đã
từ-chối không đi phù dâu, nàng muốn tránh mặt Thúc không muốn thấy
Thúc để nhớ lại buổi Thúc cợt ghẹo nàng ở bên sông. Nàng đã không thuận
lấy Thúc lẽ nào nàng còn đi phù dâu.
Trong tiệc cưới có người nhắc tới cuộc hôn-nhân của Khoan. Một bạn
học hỏi khoan : « Hôm nay chúng tôi được uống rượu mừng anh Thúc, bao
giờ đến lượt anh trưởng tràng cho chúng tôi say sưa ».
Khoan ngay thẳng nói : « Anh em lo gì điều đó. Có điều xin nói trước
là bữa tiệc rượu của tôi không linh-đình được như bữa rượu hôm nay của
anh Thúc đâu ».
Lời khiêm tốn chân thật của Khoan khiến Thúc bằng lòng.
Thúc tự nghĩ Khoan có bắc bẩy tầng cầu cũng không bằng được sự
sang-trọng của Thúc.
Chính Khoan cũng chưa biết ngày cưới của mình định vào bao giờ.
Điều đó còn tùy thuộc cha mẹ chàng và ông Khóa Hữu. Chàng thấy nhà
mình nghèo, cưới xin lại tốn kém. Đã đành rằng ông đồ Ngư thương không
thách cưới gì, và mọi lễ-nghi đều giản-tiện, nhưng không nhiều thì ít cũng
phải có tiền mới dám tính đến lễ cưới.
Khoan cũng mong chóng được gần Tiệp để phỉ nguyền sánh phượng,
đẹp duyên cưỡi rồng, sớm chừng nào hay chừng ấy. Và chính Tiệp, nàng
cũng ngóng-đợi nhà trai xin cưới để chấm dứt mọi sự bàn ra tán vào của bạn
bè cùng làng nước.
Ông đồ Ngư hiểu rõ lắm. Ông biết rõ tâm-lý của Tiệp cũng như tình
trạng của Khoan. Đã có lần ông tỏ cho Khoan biết mọi sự dễ-dãi của ông để
Khoan về thưa lại cùng cha mẹ.
Đã có hỏi tất phải có cưới, cha mẹ Khoan luôn luôn nghĩ đến việc hôn-
nhân của con. Ông bà định chờ xong vụ gặt tháng mười, có tiền ông bà sẽ cố
làm cho xong đi.