Khoan vẫn đi học, và sự học vẫn ngày càng tấn-tới. Chàng tin-tưởng
vào sự học cũng như ông đồ tin-tưởng ở chàng.
Thời gian chầm chậm đi ! Tháng Tám hết rồi tháng chín. Dân quê đã
bắt đầu gặt lúa sớm…
II
Vụ gặt tháng Mười ! Ngoài cánh đồng, những ruộng lúa mùa nặng trĩu
những bông vàng như tơ ánh, và mùi lúa chín bốc lên thơm dìu-dịu. Những
cơn gió tạt qua lung-lay những bông lúa nhẹ cọ sát vào nhau như những
tiếng rì-rầm, và hương thơm của lúa chín tỏa rộng một mùi mát mát êm êm.
Từ sáng sớm, thợ gặt đã kéo nhau khắp cánh đồng để gặt lúa. Những
ruộng lúa vàng, trước những lưỡi liềm lưỡi hái cứ vơi dần. Các cô thôn nữ,
chít khăn mỏ quạ, váy xắn cao cùng những chàng trai quần nâu áo nâu gọn-
gàng cũng cắt lúa.
Các cô tay cầm liềm, tay nắm mấy cây lúa, đưa lưỡi liềm cắt lúa kêu
soèn-soẹt. Những bông lúa cắt rồi, các cô xếp ngay trên mặt ruộng, khi được
thành từng đống, các cô bó lại thành từng con, từng lượm bằng ngay những
ngọn rơm ở ruộng lúa. Các chàng trai cũng cắt lúa, cũng bó thành con thành
lượm, nhưng các chàng trai sức-vóc khỏe mạnh hơn, các chàng phải bó
những con lúa thành từng bó lớn. Rồi người ta chia nhau gánh lúa về nhà.
Những chiếc đòn sóc nhọn hai đầu, thọc sâu vào bó lúa và người thợ gặt ghé
vai vào nhấc lên để quảy đi một cách nhẹ nhàng.
Trong khi cùng gặt cùng hái, các cô các cậu trò truyện với nhau, tiếng
nói vui-vẻ, tiếng cười ròn-rã khiến cho công việc đỡ mệt-nhọc. Thỉnh thoảng
một vài cô lại cất giọng hát một vài câu. Tiếng hát như thúc đẩy cho công
việc, và khiến cho mọi sự mỏi mệt tiêu-tan :
« Bao giờ cho đến tháng Mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta ».
Cũng có khi các cô hát những câu yêu-đương tình-tứ để nhắn-nhủ
người yêu, thì lập tức có những chàng trai đáp lại bằng những câu thật là