công nhân quét đường. Người giàu, người nghèo, người thành công hay
người thất bại. Em không yêu hay ghét hết thảy các nhân vật như nhau,
nhưng em phải đối xử với họ như nhau: tôn trọng và không mặc cảm.
Khiếp hãi hay khinh thường không nên là tác phong của một nhà báo.
3. Trong nghề báo, tuổi trẻ không phải là thế mạnh tối thượng. Sự
thông minh và xông xáo là những ưu điểm đáng kể, nhưng kinh nghiệm và
kiến thức mới là giá trị quyết định. Nghề báo là nghề “gừng càng già càng
cay”… Chúng ta xuất thân không phải là những người thông thái, nhưng lại
phải biết về nhiều lĩnh vực, đó là lý do ta phải học liên tục. Và cách học
tuyệt vời nhất quyết định sự hấp dẫn của nhà báo, là ta có cơ hội học trực
tiếp từ những người am hiểu nhất về vấn đề đó, bên cạnh sách báo. Ta học
cái nhìn kinh tế vĩ mô từ một nhà kinh tế học, ta học về cách điều hành một
công ty từ số 0 qua một giám đốc thành công, học về nhạc lý và thị hiếu âm
nhạc từ một nhạc sĩ, học biết về công nghệ lăng xê qua một ông bầu…
Không hiểu về điều mình viết không chỉ là một sai lầm, mà còn là sự thiếu
trách nhiệm. Chúng ta học để biết, và biết thì mới viết. Càng làm nghề lâu
thì ta càng học được nhiều. Khi quay nhìn lại, tôi nhận ra rằng mỗi đối
tượng tôi gặp trong nghề báo đều đã dạy cho tôi điều gì đó hữu ích. Và như
vậy, chúng ta là người có nhiều thầy hơn bất cứ ai.
4. Tôi ưa thích nghề báo bắt đầu từ những tin vắn quốc tế, ký tên AP,
AFP, Reuter…Và cho đến giờ tôi vẫn yêu thích chúng. Những tin vắn,
không có tên phóng viên nào được ký, thay vào đó là tên hãng tin. Đối với
tôi, nó thể hiện toàn bộ nghề báo: Cả một bộ máy khổng lồ để đưa đến cho
ta dòng tin 50 từ đó. Khi em nói mình muốn làm báo, thông thường điều đó
có nghĩa là em sẽ làm người viết, một phóng viên ký tên dưới bài được
đăng. Hãy nghĩ đến bộ máy sau đó: người dịch, người biên tập, thư ký tòa
soạn là người tổ chức bài, người trình bày, tổng biên tập, người đọc
morasse, người thủ quỹ phát nhuận bút, người phát hành và bán báo, và…
người đọc. Một bộ máy khổng lồ rất nhiều khi bị lãng quên.