bản thân ta. Ông khẳng định rằng, chính vì vậy mà những người mong đợi
mình sẽ nhận được một tình yêu “vô điều kiện” dựa trên chủ nghĩa hy sinh
- là những kẻ ăn bám, cố gắng giành lấy một giá trị tinh thần mà mình
không đáng có - cùng một cách với những kẻ trộm cố gắng đoạt lấy của cải
vật chất không do công sức mình làm ra.
Đúng là người ta thường tô đậm chữ hy sinh trong tình yêu mà quên
rằng, một tình yêu thực sự đẹp là tình yêu sâu đậm từ cả hai phía mà không
ai phải hy sinh cho ai cả. Tình yêu đẹp nhất là cả hai cùng hưởng lợi mà
không ai thiệt hại.
Yêu một người là vị kỷ, vì ta yêu một người trước hết là bởi người ấy
mang một giá trị đối với riêng ta theo tiêu chuẩn của ta, rằng người ấy làm
cho cuộc đời ta trở nên tốt đẹp hơn, tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn, rằng người
ấy là một nguồn vui lớn lao của ta. Ngược lại, hãy nhớ rằng ta được yêu bởi
ta có một “giá trị” đối với người ấy.
Giá trị đó khác nhau tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người. Có khi nó là
cảm giác được dựa dẫm, được ngưỡng mộ, có khi là cảm giác được thưởng
ngoạn một vẻ đẹp, là việc hưởng thụ một cảm xúc, nhưng rất thường khi đó
chỉ là một cảm giác bình yên, nhẹ nhõm trong lòng, hay cảm giác ấm áp,
được tin cậy. Nó có thể khó nhận ra bởi sự trộn lẫn giữa bao nhiêu cảm xúc
thường ngày, nhưng lại vô cùng quan trọng. Bởi nếu nó không được duy trì,
trước sau gì tình yêu cũng sẽ tan theo. Chính vì vậy mà cách giữ gìn tình
yêu hiệu quả nhất chính là tìm ra giá trị của người ấy đối với ta, đồng thời
nhận ra giá trị của ta đối với người ấy và giữ cho hai giá trị ấy được cân
bằng. Đừng để xảy ra tình trạng “được lòng ta - xót xa lòng người”.
Nhiều năm về trước, tôi đã tự hỏi mình, vì sao tình yêu đơn phương
tồn tại? Vì sao người ta có thể ôm ấp hình bóng một người suốt hàng chục
năm trời mà thậm chí không cần người ấy hay biết hay đáp trả? Bây giờ tôi
chợt nhận ra lý do. Đó là bởi tình yêu tự nó đã làm thỏa lòng ta rồi, trước cả
nỗi khổ đau vì không được đáp trả.