ngát như ngọn gió mùa xuân thổi qua thềm nhà buổi chiều xa xưa nào. Một
mối tình dang dở. Một nụ hôn chưa kịp trao. Cái nắm tay vội vàng. Một sai
lầm không thể cứu vãn. Một tổn thương ta gây ra cho ai đó, hoặc ai đó gây
ra cho ta. Những mảnh vỡ của ký ức, đôi khi nhọn hoắt, đôi khi nát vụn…
vẫn trở về với tôi hoài vào những chiều cuối năm.
Khoảng khắc đó, tôi có thói quen ngồi xuống một nơi yên tĩnh, và
nhâm nhi “chiếc bánh Madeleine”(10) của đời mình, và cố lắp lại những
mảnh vỡ đó… Chiếc bánh Madeleine của bạn là gì? Điều gì có thể đưa bạn
trở lại ngày xưa? Với tôi đó là món ăn mẹ nấu như hồi bé thơ. Cuốn album
cũ. Con đường cũ. Người bạn cũ. Một món đồ chơi cũ…
10. Madeleine là loại bánh bông lan mềm hình con sò xuất xứ từ Pháp,
nhẹ, xốp, có vị béo thơm. Trong tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất” ,
Marcel Proust kể lại một buổi chiều đông rét mướt, khi bị nhuốm lạnh, tác
giả nhấp một ngụm nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh
“madeleine” để sưởi ấm người. Và hương vị của chiếc bánh thuở ấu thời đã
đột ngột đánh thức những ký ức và cảm xúc thầm kín, đưa ông trở về quá
khứ đi “tìm thời gian đánh mất” …
Tôi quen một người bạn. Anh thường ra phố Lê Công Kiều mua đồ cổ.
Thật ra anh chẳng mua thứ gì đắt đỏ vì anh không có nhiều tiền. Anh chỉ
mua những chiếc tô gấm chiết yêu vẽ xanh trắng. Anh chất từng chồng
trong phòng mình. Tôi những tưởng anh mê lắm. Nhưng không, anh mua vì
nhớ mẹ. Anh mua vì lúc anh còn nhỏ, gia đình còn nghèo, mẹ anh được ai
đó tặng cho hai cái tô gấm và mấy cái chén sứ xanh trắng. Mẹ anh quý lắm.
Anh nhớ, chỉ những bữa cơm ngày Ba mươi Tết, mẹ mới cho hai anh em
anh ăn cháo gà trong chiếc tô gấm.
Rồi chiến tranh. Những món đồ sứ ít ỏi đó mẹ anh không giữ được. Và
bà tiếc mãi, tiếc mãi… cho đến ngày ra đi. Anh nhớ mẹ, anh nhớ những
buổi tối giao thừa sau khi dọn dẹp xong, anh ngồi nép bên mẹ nhìn mẹ anh