Âm thanh đó, đã bao lâu rồi tôi không còn nghe? Những khi nhớ nhà,
tôi thường gắn chiếc headphone lên tai và lặng nghe những giọt âm vô cùng
trong trẻo của ban nhạc SecretGarden.
Thứ âm nhạc thần kì có thể mang cho tôi những hồi tưởng thanh bình
êm ả. Nhưng nhiều lúc, âm nhạc dù du dương mấy vẫn không đủ cho tôi.
Bởi tôi thèm một âm thanh khác. Âm thanh của tiếng nói con người, âm
thanh của tiếng ai đó đang gọi tên tôi.
Các bác sĩ thống kê rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt
nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé.
Điều đáng nói là những chiếc ti vi ra rả suốt ngày không thay thế được
tiếng mẹ, tiếng cha, mà còn làm cho tình trạng chậm nói của các em trở nên
nghiêm trọng hơn. Bởi trẻ em, ở cái tuổi bi bô ấy, phải nghe và được lắng
nghe với tình yêu cũng như sự thông hiểu, thì mới nói được. Nghĩa là
không chỉ có người lớn mới có lúc thèm nghe tiếng người mà ngay cả trẻ
con cũng vậy.
Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp
nhau qua YM, tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những câu status trên
Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta những tưởng đã biết hết, hiểu hết về
nhau mà không cần thốt lên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như
loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm. Tiếng nói con
người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu. Nếu
muốn được hiểu thì phải được lắng nghe. Nếu muốn được lắng nghe thì
phải nói trước đã. Vậy thì còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói
với ba, với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng email,
đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện
thoại lên, thậm chí chỉ để gọi nhau một tiếng “…ơi” dịu dàng!
Một tiếng người thực sự ân cần, yêu thương, quan tâm, gần gũi… Và
chắc chắn, không phải là chiêm bao.