Hai giờ sáng cô mới về đến nhà. Cô pha cho mình một bình trà và vào
mạng để tìm hiểu thêm về người đàn ông có tên Archibald McLean, mà
trước đó, những “chiến công” của ông ta chỉ tình cờ lọt vào tai cô qua
những thông tin trên truyền thông đại chúng.
Sau đó cô vùi đầu vào đọc tập tài liệu dày cộp Martin đưa cho. Theo
dòng sự kiện, cô không những khám phá về người cha của mình, vì chưa ai
từng kể về ông cho cô nghe, mà còn thấy cả mẹ cô dưới một góc nhìn hoàn
toàn khác: một người phụ nữ đang sống trong tình yêu và quyết tâm, bằng
mọi giá, phải cho đứa con của mình chào đời, cho dù điều đó có thể phải
đánh đổi bằng mạng sống của bản thân.
Rồi… cô khóc hết nước mắt, hoàn toàn tin chắc rằng sự ra đời của cô đã
làm tan nát bốn cuộc đời. Trước hết là mẹ cô, rồi tới Archibald, ngay sau đó
đã bị tống vào tù vì chuyện không đáng. Sau đó là chính cô, đứa trẻ mồ côi
cô độc và buồn bã, chưa bao giờ thực sự tìm thấy chỗ đứng cho mình ở bất
kỳ đâu. Cuối cùng là Martin, người đã vì cô mà đau khổ mặc dù cô không
hề cố ý.
Tới bốn giờ sáng, cô không uống trà nữa mà thay bằng rượu vodka
hương dâu và chạy đi lục tủ ngầm để tìm cuốn album cũ. Cô nhìn những
tấm ảnh chụp mẹ bằng một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ và phát hiện ra một
vài tấm hình - trong đó trông Valentine giống như một người hạnh phúc
nhất thế gian - đã bị cắt đôi. Một hình thức kiểm duyệt của bà cô để loại bỏ
sự hiện diện của một bóng hình mà cô đoán chắc là Archibald. Cô đã thuộc
lòng những tấm ảnh này - cô cũng chẳng có quá nhiều ảnh của mẹ -, vậy mà
chẳng hiểu sao cô lại chưa từng đặt câu hỏi về "vết đen trong những tấm
hình", một hành động nổi bật trong kỷ nguyên Staline?
Song cũng có thể cô đã từng đặt câu hỏi… một cách vô thức. Trong tâm
trí cô lúc này bắt đầu dồn lên những kỷ niệm về ông bà - những câu nói khó
hiểu, những ánh mắt bí mật thông đồng - mà thời đó đã từng khiến cô thắc
mắc, tới hôm nay cô đã hiểu rõ hơn. Cũng giống như mọi bí mật gia đình
khác, bi kịch xoay quanh sự ra đời của cô chắc chắn đã đè nặng như một