“Chúng tôi bị lèn vào cái thứ xó xỉnh này đây… Trường thì mở rộng
còn chúng tôi thì thu hẹp… Chúng tôi là đứa con ghẻ của các sinh ngữ…Ấy
là nếu tiếng Cimmeria còn có thể được coi là sinh ngữ… Nhưng đây mới
chính là giá trị của nó!” ông hét lên với một cơn bột phát đầy quả quyết mà
rồi lập tức lại xẹp đi. “Trên thực tế nó vừa là một ngôn ngữ hiện đại đồng
thời là một ngôn ngữ chết… Một vị trí đặc quyền, cho dù không ai nhận
ra…”
“Ông có ít sinh viên à?” bạn hỏi.
“Vậy theo anh ai sẽ tới học? Theo anh ai còn nhớ tới người Cimmeria
nữa? Trong lĩnh vực các ngôn ngữ bị lấn át có nhiều ngôn ngữ được nhiều
người chú ý hơn… tiếng Basque… tiếng Bretagne… tiếng của dân di gan…
Người ta toàn ghi tên học mấy thứ ấy… Chả phải họ học ngôn ngữ đâu: thời
buổi này ai mà muốn làm chuyện đó… Họ cần là cần những vấn đề để tranh
luận, những ý tưởng khái quát để nối kết với những ý tưởng khái quát khác.
Các đồng nghiệp của tôi tự thích ứng, theo dõi dòng chính, dạy những tín
chỉ như là “Xã hội học tiếng Wales,” “Ngôn ngữ-tâm lý học tiếng
Provence…” Với tiếng Cimmeria thì không làm thế được.”
“Sao lại không?”
“Người Cimmeria đã biến mất, tuồng như đất đã nuốt chửng họ ấy.”
Ông lắc đầu, như để huy động toàn bộ lòng kiên nhẫn đặng nhắc lại một
điều đã nói hàng trăm lần. “Đây là một khoa chết về một nền văn chương
chết viết bằng một ngôn ngữ chết. Tại sao thời nay người ta lại phải học
tiếng Cimmeria? Tôi là người đầu tiên hiểu, người đầu tiên nói ra điều này:
nếu anh không muốn tới, đừng tới; với tôi thì người ta thậm chí giải thể khoa
này đi cũng được. Nhưng nếu đến đây chỉ để mà… Không, thế thì quá
đáng.”
“Chỉ để… để sao?”
“Mọi thứ. Tôi buộc phải nhìn thấy mọi thứ. Suốt hàng bao nhiêu tuần
chả ai tới, nhưng khi ai đó tới thì lại để làm những chuyện mà… Các người
có thể lánh xa nơi này ra, tôi nói thế, cái gì có thể khiến các người quan tâm