[4]
Nghe ai đó đọc to lên rất khác với đọc trong im lặng. Khi bạn đọc, bạn
có thể ngừng hoặc bỏ qua câu; bạn là người quyết định nhịp điệu. Khi ai
khác đọc, bạn khó lòng làm cho sự chú ý của mình trùng hợp với tiết điệu
đọc của người kia: giọng đọc hoặc đi quá nhanh hoặc đi quá chậm.
Và rồi, việc lắng nghe ai đó dịch thẳng từ một thứ tiếng khác ra còn bao
hàm cả một sự dao động, sự ngần ngừ trước những từ, một mức độ bất quyết
và mơ hồ, tạm bợ. Văn bản, khi ta là độc giả, là một cái gì hiện hữu, bạn
buộc phải đương đầu với nó, còn khi một ai đó dịch to nó lên cho bạn nghe
thì nó là một cái gì vừa hiện hữu vừa không hiện hữu, bạn không tài nào
chạm tới được.
Thêm vào đấy, Giáo sư Uzzi-Tuzii đã bắt đầu dịch bằng miệng như thể
ông không chắc liệu mình có làm cho các câu chữ nối với nhau được không,
cứ mỗi câu là lại quay lại để là cho phẳng những nếp nhăn cú pháp, xoay trở
các cụm từ sao cho chúng không hoàn toàn rúm ró, vuốt thẳng chúng ra, cắt
gọt chúng, dừng lại ở mỗi từ để minh họa cách dùng nó trong thành ngữ và
các ngụ ý kèm theo nó, tự mình đệm theo bằng nhũng động tác kéo tay vào
như thể mời bạn hãy hài lòng với những sự tương đối vừa chừng, ngắt ngang
để trình bày những quy tắc ngữ pháp, truy tận từ nguyên, trích dẫn trước tác
kinh điển. Nhưng ngay khi đã bị thuyết phục rằng với vị giáo sư này thì ngữ
văn và học thuật là hệ trọng hơn so với những gì câu chuyện kể, bạn lại nhận
ra rằng ngược lại mới đúng: rằng cái vỏ ngoài hàn lâm kia chỉ nhằm để bảo
vệ bất cứ cái gì câu chuyện này nói và không nói, một thần khí nội tại luôn
luôn sắp sửa bị phát tán khi tiếp xúc với không khí, tiếng vang của một kiến
thức đã tiêu biến được phát lộ trong vùng tranh tối tranh sáng và những lời
bóng gió mơ hồ.
Bị giằng xé giữa một đằng là cần phải chêm lời chú giải nhằm giúp cho
văn bản triển khai sự đa bội nghĩa của nó còn một đằng là biết rõ mọi sự
diễn giải đều là sử dụng vũ lực và thói đồng bóng để chống lại văn bản, vị