điều đó khá đơn giản – ông hẹn hò với từng người phụ nữ hấp dẫn ông đã gặp, và vài người trong số đó
đồng ý. Ông sẵn sàng chấp nhận bị từ chối để có được một ít thành công. Điều này mang đến bài học ở cấp
độ cơ bản nhất của nó. Nếu bạn ra ngoài và thử làm nhiều việc, bạn sẽ có nhiều khả năng tìm thấy thành
công hơn là những người chỉ ngồi đó chờ đợi điện thoại reo.
Câu chuyện này rất phù hợp với điều cha tôi luôn khuyên tôi: là một cái bánh xe kêu chát tai hiếm khi
thay đổi kết quả, nhưng nó cho phép bạn tiến đến kết luận sớm hơn. Đừng ngồi yên đó chờ đợi một lời
đồng ý sẽ không bao giờ đến. Thà nhận được lời từ chối sớm còn hơn là kéo dài thời gian mà kết quả vẫn
vậy, để bạn có thể tập trung năng lượng của mình vào các cơ hội có khả năng thành công cao hơn. Điều
này có thể áp dụng vào các tình huống như săn việc làm, tìm kiếm nguồn tài trợ kinh doanh, hẹn hò, và hầu
hết những nỗ lực khác. Nó có nghĩa là nếu bạn tiếp tục đẩy lùi các giới hạn, và sẵn sàng thất bại trên đường
đi, bạn rất có thể sẽ tìm thấy thành công.
Những câu chuyện này đánh dấu một điểm quan trọng: một sự nghiệp thành công không phải là một
đường thẳng mà là một con sóng với những thăng trầm. Michael Dearing mô tả điều này rất tuyệt vời với
một đồ thị đơn giản vẽ ra một sự nghiệp điển hình, trong đó thời gian nằm ở trục X và thành công nằm ở
trục Y. Hầu hết mọi người đều cảm thấy như thể họ cần được liên tục tiến lên và di chuyển sang bên phải,
dọc theo một đường thẳng thành công. Nhưng điều này vừa phi thực tế lại vừa hạn chế. Thật sự, khi bạn
nhìn kỹ vào đồ thị của những người thành công nhất, luôn có những thăng trầm. Tuy nhiên, khi xem xét
tổng thể một quãng thời gian dài thì đường này thường di chuyển lên và sang phía bên phải. Khi bạn đang
trong một chu kỳ suy giảm, đôi khi rất khó nhận thức được rằng đường dốc xuống tạm thời đó thực ra là
một sự chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo. Trong thực tế, độ dốc của đường hướng lên thường tăng sau một
chu kỳ đi xuống, nghĩa là bạn đang thực sự đạt được nhiều hơn so với khi bạn chỉ ở lại trên một con đường
ổn định và có thể dự đoán trước.
Carol Bartz, cựu giám đốc điều hành của Autodesk và là giám đốc điều hành mới của Yahoo!, sử dụng
một phép loại suy tuyệt vời để mô tả con đường sự nghiệp thành công. Cô ấy nghĩ bạn nên xem sự tiến bộ
nghề nghiệp của mình như việc di chuyển xung quanh và lên trên một kim tự tháp ba chiều, chứ không
phải đi lên một chiếc thang hai chiều. Lối di chuyển theo cạnh bên của kim tự tháp thường giúp bạn xây
dựng nền tảng kinh nghiệm của mình. Có thể trông bạn đang đi lên không nhanh cho lắm, nhưng bù lại bạn
đang thu thập một nền tảng các kỹ năng và kinh nghiệm sẽ chắc chắn rất có giá trị sau này.
Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi về tính chu kỳ và không thể đoán trước của sự nghiệp là
do Steve Jobs kể lại. Là người sáng lập Apple và Pixar, những câu chuyện thành công của ông thực sự
mang tính huyền thoại. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những thành công lớn nhất của ông đều bắt nguồn từ
những thất bại. Ông kể lại những câu chuyện này rất hay khi ông phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại đại
học Stanford vào năm 2005. Dưới đây là trích đoạn bài diễn văn của ông.
Chúng tôi đã cho phát hành tác phẩm tốt nhất của chúng tôi – chiếc Macintosh – một năm trước đó, và
tôi chỉ vừa bước sang tuổi ba mươi. Rồi sau đó tôi bị sa thải. Làm sao bạn có thể bị đuổi việc khỏi một
công ty do bạn sáng lập? Vâng, khi Apple phát triển chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng
để điều hành công ty với tôi, và trong năm đầu tiên thì mọi thứ đều ổn. Nhưng sau đó tầm nhìn của chúng
tôi về tương lai bắt đầu đi theo những hướng khác nhau và cuối cùng chúng tôi đã bất hòa. Khi đó Hội
đồng quản trị đã đứng về phía anh ta. Vì vậy, vào tuổi ba mươi tôi bị sa thải, và bị sa thải rất công khai.
Tâm điểm phấn đấu của toàn bộ cuộc sống trưởng thành của tôi đã biến mất, và nó thật sự khủng khiếp.
Tôi thực sự không biết phải làm gì trong vòng vài tháng sau đó. Tôi cảm thấy mình đã làm thế hệ các
doanh nhân trước đây thất vọng – rằng tôi đã đánh rơi chiếc gậy tiếp sức của lượt chạy khi nó được
chuyền đến tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce để xin lỗi về việc xử lý các tình huống quá kém
cỏi. Tôi là một kẻ thất bại nổi tiếng, thậm chí tôi còn nghĩ đến việc chạy ra khỏi Thung lũng [Sillicon].
Nhưng một cái gì đó dần dần lóe lên trong tâm trí tôi – tôi vẫn rất yêu những gì tôi đã làm. Những biến cố
ở Apple chẳng hề làm thay đổi tình yêu đó dù chỉ một chút nào. Tôi đã bị từ chối, nhưng tôi vẫn còn tình
yêu. Và vì vậy tôi quyết định bắt đầu lại.
Lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng hóa ra việc bị đuổi khỏi Apple là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi.
Gánh nặng của việc phải thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhàng khi trở thành một người mới bắt đầu
lại, và ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó đã giải thoát cho tôi để tôi bước vào một trong những thời kỳ sáng
tạo nhất của cuộc đời mình.
Trong những năm sau đó, tôi đã thành lập một công ty tên là NeXT, một công ty khác tên Pixar, và đem
lòng yêu một người phụ nữ tuyệt vời sau này đã trở thành vợ tôi. Pixar đã tạo ra bộ phim hoạt hình vi tính
đầu tiên trên thế giới, Toy Story, và bây giờ là hãng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Trong
một loạt diễn biến đáng chú ý, Apple đã mua NeXT, tôi trở lại Apple, và những công nghệ chúng tôi phát