xưa nói rằng con gái nhà này hoặc lấy chồng tại căn chuồng lợn của mình,
hoặc không lấy chồng”. Sau đó căn nhà được quét vôi màu vàng nguyên,
dựng lại mấy chiếc cửa cho thẳng, xây lại nền gạch và được sắp xếp cho
xứng đáng với một đám cưới có tiếng vang lớn như thế. Hai anh em sinh
đôi mang lợn đi nuôi ở nơi khác rồi tẩy uế chuồng lợn bằng vôi sống. Mặc
dù vậy vẫn trông thấy ngay còn rất chật chội. Cuối cùng theo yêu cầu khẩn
khoản của Badađô San Rôman, gia đình phải phá vỡ hàng rào bao quanh
sân để tổ chức được cuộc nhảy sang những nhà lân cận, và bày biện được
một số bàn hẹp mới thuê thợ đóng cho khách khứa có chỗ ngồi ăn dưới
bóng những cây chua me.
Điều bất ngờ duy nhất làm cho mọi người giật mình là việc chú rể đến
nhà gái chậm mất hai tiếng buổi sáng hôm cưới, vì thế Anhêla Vicariô nhất
định không chịu mặc quần áo cưới. Cô kể với tôi: “Lúc đó tôi thấy rất vui
sướng vì anh ta không tới, tôi muốn cứ thế không bao giờ mặc quần áo
cưới”. Sự thận trọng đó tưởng cũng tự nhiên thôi bởi vì thật không có một
nỗi hổ thẹn nào lớn hơn đối với một người con gái không may bị bỏ rơi
trong bộ quần áo cô dâu. Ngược lại, việc Anhêla dám phủ tấm voan và tấm
khăn trinh tiết trong khi không còn trinh tiết, sau này cần phải cắt nghĩa
như một việc vi phạm thô bạo những biểu tượng trinh khiết. Riêng mẹ tôi là
người duy nhất đánh giá cao người đã dám chơi con bài đã bị đánh dấu đến
tận cùng của ván bài, quả là một tay can đảm. Bà giải thích cho tôi: “Thời
đó, chỉ có Chúa mới hiểu được việc đó thôi”. Ngược lại, chẳng một ai biết
Badađô San Rôman chơi con bài gì. Kể từ lúc anh ta đến nhà cô dâu trong
bộ áo đuôi tôm và chiếc mũ cưới cho đến khi anh đưa cô gái yêu đau khổ
của anh tỉnh khỏi cuộc khiêu vũ trông anh ta rõ là một chú rể hoàn toàn
hạnh phúc.
Người ta cũng chẳng bao giờ biết được rằng Santiagô Nasar chơi con bài
gì. Tôi có mặt cùng anh ta suốt thời gian ở trong nhà thờ cũng như trong
tiệc cưới. Cùng với Cristô Bêđôda và anh giai tôi, Luitx Enrikê, không một