382
383
Bồn Hoa: loại mũ Thường phục áp dụng
cho thị vệ nhân thuộc ngạch Tụng quan
của nhà Trần.
Bức Cân: loại mũ trang trọng của văn
nhân, nho sĩ và đàn ông thường dân thời Lê
Trung Hưng, có kiểu dáng tương tự mũ ni,
song hai bên mang tai có hai dải thắt, thắt
lại ở sau đầu.
Cách đới: đai da nói chung, hình tròn,
trên đai được gắn các miếng trang sức hình
vuông, hình tròn hoặc hình quả trám. Đai
thường to rộng, chỉ mang tính trang sức.
Cao Sơn: mũ Thường phục của các
quan văn từ nhất phẩm đến lục phẩm thời
Trần - Hồ kể từ sau năm 1396, mũ Thường
phục của văn võ bá quan, giáo thụ Quốc Tử
Giám và giáo viên ở các lộ, huyện thời Lê sơ
từ năm 1434 đến năm 1437.
Cân hoàn: loại trang sức hình tròn được
đính vào hai bên mũ Toàn Hoa thời Trần.
Chiết Xung: mũ Thường phục của các
quan võ từ nhất phẩm đến lục phẩm thời
Trần - Hồ kể từ sau năm 1396.
Chương: các hoa văn thêu trên Lễ phục
Cổn Miện, tượng trưng cho trời đất vạn vật,
gồm Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng),
Tinh thìn (sao), Sơn (núi), Long (rồng), Hoa
trùng (chim trĩ), Tông di (cốc ở tông miếu,
có hình hổ và khỉ), Tảo (rong), Hỏa (lửa),
Phấn mễ (gạo), Phủ (rìu), Phất (chữ Á 亞).
Cổ đồ: tên gọi của một số dạng hoa văn
thêu trên áo bào của vua quan nhà Nguyễn.
Cổ kiềng. Xem: Đoàn lĩnh.
Cổn: còn gọi là Long Cổn, hoặc Cổn
Long y, loại áo trong Lễ phục Cổn Miện,
thường có màu xanh sẫm hoặc màu huyền,
cổ áo giao lĩnh, thêu các hoa văn Phủ, Phất,
Sơn, Hỏa… Riêng áo Cổn của vua được
thêu hoa văn Nhật, Nguyệt ở hai vai, Long
ở hai ống tay áo.
Cổn Miện: tên gọi tắt của bộ Lễ phục áo
Cổn, mũ Miện, là trang phục dành riêng
cho đế vương và vương công đại thần sử
dụng trong các dịp đại lễ như tế trời đất,
lễ lên ngôi v.v., vào thời vua Lê Hiến Tông
còn được sử dụng làm Lễ phục khi vua cày
Tịch điền. Bộ Lễ phục này bị phế bỏ vào
thời Lê Trung Hưng và được khôi phục vào
thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Vào thời
Nguyễn, Cổn Miện chỉ được sử dụng trong
dịp tế Nam Giao.
Cổn phục: tên gọi chung của áo Cổn và
tất cả phục sức đi kèm như thường, tế tất,
đại đới, cách đới, bội, thụ v.v.
Công phục: 1.vốn đồng nghĩa với khái
niệm Thường phục, tức trang phục mặc
vào những buổi thường triều ngày 5, 10,
20, 25, từ thế kỷ XV trở về sau chỉ loại trang
phục vua quan mặc vào những buổi chầu
mồng một và ngày rằm. 2. chỉ loại trang
phục trang trọng của nho sĩ và dân thường.
Củng Thần: loại mũ Triều phục dành
cho các vị vương, hầu, minh tự thời Lý -
Trần, phẩm trật được phân biệt bởi số bậc
và số trang sức ong bướm trên mũ.
Cửu Long: Xem Cửu Long Thông Thiên.
Cửu Long Đường Cân: còn gọi là Đường
Cân, loại mũ Thường phục của hoàng đế
triều Nguyễn, mũ có phần gáy nhô cao,
chỏm khum tròn chùm về phía trước, choãi
sang hai bên thành hình chữ Bát 八. Xem:
Đường Cân.
Cửu Long Thông Thiên: còn được gọi
là mũ Cửu Long, hoặc mũ Xung Thiên, mũ
Triều phục của hoàng đế triều Nguyễn, có
kiểu dáng tương tự mũ Xung Thiên triều
Lê, riêng quy chế trang sức trên mũ có sự
khác biệt.
Dương Đường: 1. một trong những dạng
hoa văn hình hoa thời Trần, Lê. 2. mũ Triều
phục của Nội quan thời Trần, phẩm trật
của các quan được phân biệt dựa vào số
hình ong bướm sức trên mũ. 3. mũ Triều
phục của hoàng tử, vương tử được phong
tước quốc công triều Lê Trung Hưng, kiểu
dáng như mũ Phốc Đầu, duy phía sau cao
hơn, hai cánh chuồn có khi được nạm vàng.
Đa La: còn gọi là Đa La Ni, hay La Đà Ni,
đều chỉ cùng một loại vải gai, phần lớn có
màu xanh và đỏ. Vào thời Lê Trung Hưng,
loại mũ Đinh Tự được làm từ chất liệu vải
gai này được gọi là mũ Đa La.
Đai: thứ phục sức đeo ngang lưng bên
ngoài áo bào, được gắn các miếng trang sức
hình tròn, hình quả trám làm bằng kim loại
hoặc đồi mồi…, được xỏ qua hai dây thắt
dôi ra từ nách áo, ôm lấy người, thường chỉ
mang tính trang sức
Đại đới: 1. đai thắt lưng, có hai dải to
bản buông xuống dưới chân, còn gọi là
thân. 2. dải lụa màu xanh trong Cổn phục
của vua quan triều Nguyễn; một đầu dải lụa
được thắt ở đai da phía trước, sau đó vòng
qua vai, cố định lại ở phần đai sau lưng.
Xem: Thân.
Đâu Mâu: còn gọi là mũ Trụ, bảo vệ
phần đầu của binh sĩ khỏi giáo mác, vì hình
dạng giống chiếc mâu, một loại nồi thời cổ
của Trung Quốc nên gọi là Đâu Mâu.
Đinh Tự: còn gọi là mũ Nhục, loại mũ
có kiểu dáng chữ Đinh 丁 nằm ngang, trán
mũ thẳng, cong tròn dần khi tới đỉnh, vươn
ra sau gáy. Đây là loại mũ Thường phục của
các quan văn võ nhà Trần kể từ năm 1301,
và là dạng mũ được sử dụng rộng rãi trong
quân đội và dân gian thời Lê Trung Hưng.
Đoàn lĩnh: cũng gọi là viên lĩnh, nôm na
gọi là áo cổ kiềng, chỉ loại áo cổ tròn, gài
cúc bên vai phải. Vào thời Lê, Nguyễn, áo
đoàn lĩnh chỉ được dùng trong những buổi
Đại triều.
Đông Pha: mũ Thường phục áp dụng
cho quan văn tứ, ngũ, lục phẩm triều
Nguyễn, lá phủ phía sau mũ được lượn
theo hình sóng, gáy mũ đính hai dải anh rủ
xuống lưng.
Đường Cân: 1. loại mũ Tiện phục được
làm bằng the đen, tương tự kiểu dáng mũ
Phốc Đầu, riêng hai cánh chuồn có cốt làm
bằng cật mây, buông ra sau, choãi sang
hai bên thành hình chữ Bát 八. 2. loại mũ
Thường phục của vua và là mũ Triều phục
của hoàng thái tử nhà Nguyễn, mũ có phần
gáy nhô cao, chỏm khum tròn chùm về
phía trước, choãi sang hai bên thành hình
chữ Bát 八.
Giác Đính: mũ Thường phục của các vị
có tước cao mà không có chức trong triều
đình Trần - Hồ kể từ sau năm 1396.
Giải Trãi: mũ của pháp quan các triều
Lý, Lê, Nguyễn. Giải trãi tương truyền là
linh thú một sừng, bản tính ngay thẳng,
thường được tạo hình tương tự kỳ lân.
Ngay từ thời Hán, triều đình Trung Quốc