nhấn mạnh, tay không cử động.
Nhưng làm sao ông ta có thể làm khác được? Ông linh mục
này mang danh nghĩa cha tuyên úy nhà tù, chức nghiệp của ông
là an ủi vỗ về và ông ta sẽ sống với việc đó. Những người tù khổ
sai, những người sắp bị hành hình đều thuộc phạm vi giao giảng
của ông. Ông nghe họ xưng tội và giúp đỡ họ vì ông có địa vị để
làm công việc ấy. Ông đã già đi trong việc đưa người về cõi chết.
Từ lâu rồi ông đã quen với cái việc làm người khác rùng mình
run sợ. Tóc của ông đã bạc trắng không còn mọc nữa. Nhà tù khổ
sai, đoạn đầu đài là nơi lui tới hàng ngày của ông. Ông đã quá
nhàm với công việc này. Chắc hẳn ông có cuốn sổ riêng, trang
nào ghi tên những tù khổ sai, trang nào cho người bị án tử hình.
Từ chiều hôm trước ông đã được báo ông phải an ủi người nào
vào hôm sau, vào lúc mấy giờ.
Ông chỉ hỏi người đó là tù khổ sai hay bị hành hình và kiểm
tra trang ghi chép của ông trong quyển sổ. Theo cách đó, những
ai sẽ đến Toulon, ai sẽ ra pháp trường La Grève ông đều coi như
nhau và đối với ông hay đối với họ chỉ là điều vô vị sáo mòn mà
thôi.
Ôi! Tôi nghĩ đối với tôi đáng lẽ ra nên đi tìm một thầy trợ tế trẻ
tuổi thay một cha xứ có tuổi nào đó trong một xứ đạo gần đây.
Nếu tình cờ bắt gặp ông bên bếp lửa trong lúc ông đang đọc sách
và không trông chờ một điều gì thì người ta nên nói với ông:
– Có một người sắp phải chết và ông phải ở đó khi người ta
cùm tay anh ta, cắt trọc đầu anh ta. Ông phải lên xe đi với anh ta
ra pháp trường cùng với cây thánh giá để che mắt anh ta không
nhìn thấy đao phủ. Ông cũng phải chịu ngồi xe xóc với anh ta
trên con đường lát đá đến quảng trường La Grève. Ông cùng với
anh ta đi qua đám đông dân chúng tò mò chứng kiến cuộc hành
hình, ông sẽ ôm hôn anh ta dưới chân đoạn đầu đài và ông sẽ ở