trong Thung lũng Tử thần. Những đỉnh núi đang bao quanh chúng tôi có
đỉnh cao nhất lên tới hơn sáu nghìn mét cũng vô ích, chúng không có tuyết.
Cũng chính là lý do để chúng tôi làm việc tại đây. Bởi không có chút độ ẩm
dù nhỏ nhất, đây là nơi lý tưởng nhất để tiếp nhận dự án thiên văn lớn nhất
mà trái đất chưa từng biết đến. Một vụ cá cược gần như cầm chắc phần
thua: trồng sáu mươi tư cột thu phát tín hiệu có gắn kính viễn vọng, mỗi cột
có kích thước tương đương một tòa nhà mười tầng, tất cả kết nối với nhau.
Một khi xây dựng xong, chúng sẽ được kết nối với một máy chủ có khả
năng thực hiện mười sáu tỷ thao tác mỗi giây. Để làm gì? Để ra khỏi bóng
tối, để chụp ảnh những thiên hà xa nhất, để khám phá những không gian
hiện chúng ta vẫn còn không thể trông thấy, để có thể thu được hình ảnh về
những khoảnh khắc đầu tiên của Vũ trụ.
Đã ba năm nay, tôi trở lại với Tổ chức nghiên cứu thiên văn châu Âu và
tới sống tại Chilê.
Thông thường, tôi làm việc tại một địa điểm cách đây cả trăm cây số, tại
đài thiên văn La Silla. Vùng này nằm trên một trong những đường nứt lớn
nhất của địa cầu, chính là nơi hai lục địa tiếp giáp. Hai khối với sức mạnh
khổng lồ xô đẩy nhau, xưa kia đã tạo ra dãy Andes. Nội trong đêm trước,
mặt đất rung chuyển. Không có ai bị thương nhưng cả Naco và Sinfoni –
mỗi chiếc kính viễn vọng của chúng tôi đều mang một cái tên – đã phải
mang đi đại tu.
Tranh thủ tình trạng nghỉ việc cưỡng bức này, giám đốc trung tâm đã
giao cho chúng tôi, tôi và Erwan, nhiệm vụ giám sát việc thi công cột thu
phát tín hiệu khổng lồ thứ ba của vùng Atacama. Đây chính là lý do tại sao
tôi hít thở khó khăn như vậy vào lúc này, vì một cơn địa chấn ngu ngốc đã
dẫn tôi tới đây, tới độ cao năm nghìn mét.
Mới cách đây gần mười lăm năm, các nhà thiên văn vẫn còn tranh luận
về sự tồn tại của những hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Tôi đã nói
thế này, sự khiêm nhường đối với một nhà khoa học là chấp nhận rằng
không có gì là không thể. Một trăm bảy mươi hành tinh được khám phá