Ông ta cười và quay người lại. “Cả gia đình tôi đều làm trong ngành
giáo dục. Vợ tôi bán cơm trưa. Cậu có muốn cơm đưa đến nơi
không?”
Tôi gật đầu.
“Tôi là Shankar, quê ở Alwar,” ông ta nói. Ông ta chìa bàn tay dính
dầu mỡ cho tôi.
Tôi bắt tay trong thời gian ngắn nhất có thể. “Gopal từ Varanasi.”
Ông ta đưa cho tôi tấm danh thiếp của dịch vụ cơm hộp. Hai bữa
một ngày, một ngàn rưỡi đô một tháng.
“Để chúng tôi lo chuyện ăn uống. Còn các cậu học đi. Kỳ thi này
khó đấy.”
“Kỳ thi nào?” tôi hỏi.
“Để vào IIT thì là JEE. Nào, anh Gopal. Chúng tôi cũng không đến
nỗi thất học thế đâu.”
Chúng tôi đến tòa nhà của Hội Gaytri. Một cánh cổng sắt gỉ sét bảo
vệ khu căn hộ nham nhở. Một người lao công dùng cái chổi lớn khua
lên không một đám mây bụi trong lúc cố gắng quét dọn. Tôi đến bốt
gác nhỏ ở cổng vào tòa nhà. Một nhân viên gác cổng ngồi bên trong.
“Cậu muốn gặp ai?” ông ta nói.
“Tôi muốn thuê một phòng,” tôi nói.
Ông ta nhìn tôi. Ông ta nhìn thấy hai cái va li quá cũ, bị sửa chữa
quá nhiều và đầy chặt của tôi. Một cái đựng quần áo và cái kia nhồi
đầy sách vở, những cuốn sách cho tới giờ vẫn chưa đưa tôi đến đâu.
Trong ba lô tôi đựng những thứ Aarti đã mua cho. Tôi nhớ nàng. Tôi
tự hỏi mình có nên tìm một bốt điện thoại công cộng và gọi cho nàng
hay không.
“IIT hay trường Y?” ông ta hỏi, vò thuốc lá trong tay. Người dân
Kota gặp khó khăn trong việc đánh giá người ngoài trước khi biết họ
đến đây để làm gì.