“Tạm biệt,” Aarti nói.
“Anh nhớ em,” tôi nói, chậm mất một giây. Tôi chỉ nghe thấy một
tiếng cạch trả lời.
Tôi về phòng mình, bữa cơm hộp tối và những cuốn sách giới thiệu
đang đợi tôi. Tôi hình dung ra Aarti ở nhà Raghav, đầy tiếng cười vui.
Ruột gan tôi sôi sùng sục.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu lên với vẻ chán ghét. Tôi lấy lưỡi
dao cạo từ hộp cạo râu, cắt tấm ảnh bìa có những học sinh đỗ IIT và
xé chúng tan nát.
Các lớp học ở Bansal không giống những trung tâm luyện thi nhỏ tổ
chức trong những căn hộ bé xíu ở Varanasi. Nó giống một học viện
hay một văn phòng công ty lớn. Tôi đứng trong một khu sảnh khổng
lồ, tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Học sinh và thầy giáo đi lại với vẻ
quả quyết, như thể họ đang chuẩn bị phóng vệ tinh lên vũ trụ. Giống
với nhiều lớp luyện thi khác ở Kota, học sinh mặc đồng phục để loại
bỏ sự bất bình đẳng xã hội. Ở đây có những đứa trẻ giàu có từ Delhi,
tiền tiêu vặt bố mẹ cho chúng còn nhiều hơn tiền cha tôi làm ra cả một
năm. Mặt khác, ở đây cũng có cả những kẻ thất bại như tôi từ
Varanasi, những kẻ không có tiền cũng chẳng đủ thông minh cần có để
được ở đây.
Bình đẳng trang phục không có nghĩa là Bansal tin rằng tất cả các
học sinh đều bình đẳng. Tại đây tồn tại một hệ thống đẳng cấp, tùy
theo cơ hội đỗ kỳ thi đầu vào của bạn.
Một nhân viên phòng tiếp nhận hồ sơ cầm lấy tờ khai của tôi. “Có
phải học sinh giỏi không?” ông ta hỏi.
Tôi tự hỏi mình phải trả lời câu hỏi này như thế nào. “Xin lỗi?”
“Nếu cậu đạt tổng 85% ở lớp 12, hoặc cậu được xếp hạng AIEEE
trên 40.000 thì cậu được giảm giá ba mươi phần trăm,” quý ông đeo
kính ngồi ở quầy giải thích cho tôi.
“Cháu được 79%. AIEEE xếp thứ 52,043,” tôi nói.