-À, đúng rồi...
-Mấy lần ta cũng muốn đến đó, nhưng ngặt nỗi ở đây còn có mồ mả tổ
tiên, không thể đi.
-Dẫu ở đây bị người dân cay nghiệt mắng chửi sao?
Ông cười hiền, uống cạn chén thuốc đắng.
-Họ cay nghiệt vì họ ghét kẻ bất trung. Chính cha ta cũng không tha thứ
cho mình.
Hoài An thở dài. Thời này trọng Nho giáo, dĩ nhiên bất trung, bất nhân,
bất nghĩa, bất hiếu là điều đại kị.
Phạm Cự Lạng nhân lúc vua Đinh mất mà tôn Lê Hoàn lên làm vua để
giữ lấy đường sống, còn những người còn lại trong Giao Châu Thất Hùng,
một là bị giết trên sa trường, hai là bị giết trên đoạn đầu đài.
-Năm đó ta hai mươi tuổi. Cha ta trước khi chết đã nói với ta, ông sống
cả đời trong nỗi nhục mang tiếng bất trung, nhưng không hối tiếc. Nếu
vùng lên để rồi bị giết như Nguyễn Bặc, Đinh Điền thì có ích gì. Khi ấy
giặc Tống lâm le xâm chiếm bờ cõi, thà mang tiếng bất trung chứ không để
mang danh mất nước. Ông thuận theo Dương thái hậu đưa Lê Đại Hành lên
ngôi vua, để rồi đưa quân đi biệt ra biên ải, đánh tan quân xâm lược. Ấy là
bất trung sao? Đến cuối đời ông vẫn nói trong nước mắt, rằng ông có lỗi
với vua Đinh, ông đến để tạ tội.
Hoài An rời khỏi thôn làng nhỏ, cô nhìn lên ráng chiều đỏ buồn nơi bến
sông. Lòng cô nặng nề quá.
Những tưởng điều tra được manh mối rồi, cô sẽ nhẹ lòng hơn, ai ngờ lại
buồn man mác.