thể chuồn đi đây? Từ khi quay trở về nhà từ Ấn Độ, bà lúc nào cũng kè kè
theo sát cậu. Tệ hơn nữa, bà còn bắt cậu phải lập lời thề rằng, cậu sẽ không
tự mình cưỡi lốc gió đi đâu mà không xin phép. Cậu bị cấm túc một chỗ mất
tiêu rồi.
Dybbuk trước giờ vẫn luôn cười nhạo khi nghe bọn trẻ trong trường sử
dụng từ “cấm túc”, như thể nó có ý nghĩa đặc biệt gì đó. Dĩ nhiên, không
giống chúng, lần này cậu thật sự bị cấm túc theo đúng nghĩa đen của nó. Ừ
thì cậu vẫn có thể bắt xe buýt đến Vegas đấy, nhưng Dybbuk lại quá lười để
làm một chuyện như thế. Vả lại cậu ghét xe buýt. Thậm chí có phần sợ nó,
cũng như những hành khách hung hăng nặng mùi của nó. Đó là chưa kể đến
xe buýt làm chứng sợ không gian chật của cậu phát tác. Đó là một triệu
chứng bình thường cho tất cả djinn, những người cực ghét những không
gian khép kín, ngoại trừ cái đèn của họ.
Vì thế Dybbuk ở nhà và ngấm ngầm lập một kế hoạch có thể “hợp pháp”
đưa cậu đến Las Vegas.
Có nhiều lúc Dybbuk có thể điều khiển mẹ mình như chơi một cây đàn
ghita. Cậu biết cách để nhặt bà lên, chỉnh phím bà một chút, và rồi búng dây
để nghe được giai điệu mà cậu muốn nghe. Cậu biết chính xác phải làm gì
để bà nói những điều mà bà thường nói. Cho nên, cậu lù lù đi quanh quẩn
trong nhà với một khuôn mặt u ám, không nói một tiếng nào mà chỉ trừng
mắt nhìn vào không khí. Trong khi đó, mẹ cậu nướng cho cậu cái bánh cà ri
mà cậu thích nhất, cho phép cậu xem những đĩa DVD không hợp lứa tuổi,
cho cậu tiền tiêu vặt, và thậm chí mua cho cậu một đĩa game PlayStation
mới. Nhưng cậu vẫn giữ nguyên một bộ mặt hãm tài. Và cuối cùng bà
Sachertorte cũng bùng nổ như một trái pháo. Bà giật cái bát ngũ cốc mà cậu
chọn để ăn thay vì cái bánh bà đặc biệt làm cho cậu và ném nó vào tường.
Bà hét lên:
– Dybbuk.
Chỉ khi nào thật sự giận dữ, bà mới gọi tên cậu đầy đủ như vậy, thay vì
cái tên Buck mà cậu ưa thích.