Có một hòa thượng già và một chú tiểu sống trong ngôi chùa
nhỏ ở làng núi. Mùa thu, chú tiểu mua về một túi hạt cỏ, cẩn thận
gieo trên bãi cỏ trước chùa, mong đợi đến mùa xuân sang năm,
bãi cỏ khô vàng này khôi phục sức sống đầy màu xanh.
Khổ nỗi, vừa gieo xuống thì gió lớn đã thổi phân nửa hạt cỏ đi
mất. Chú tiểu lo lắng: “Sư phụ! Hạt cỏ gieo xuống đều bị gió lớn
thổi đi rồi!” Hòa thượng già cười đáp: “Không sao, hơn nửa hạt cỏ
bị thối đi đều rỗng ruột, cho dù gieo xuống cũng khó nảy mầm.”
Chú tiểu đành tiếp tục vùi đầu làm việc. Vừa gieo xong, không
biết một đàn chim sẻ từ đâu bay đến, đậu trên bãi cỏ, mổ những
hạt cỏ chưa bị thổi đi. Chú tiểu lập tức cuống quýt giậm chân: “Sư
phụ, hỏng chuyện rồi! Hạt cỏ còn lại đều bị chim sẻ ăn mất rồi!”
Hòa thượng già lại ôn tồn an ủi: “Hạt cỏ nhiều như thế, chim sẻ
không ăn hết được đâu.”
Đêm đó, đột nhiên trời đổ mưa to. Chú tiểu nghĩ đến những hạt
cỏ vừa gieo, nằm trên giường trằn trọc, gần như suốt đêm không
ngủ. Sáng hôm sau, chú vội vàng chạy ra bãi cỏ xem xét, phát hiện
quả nhiên hạt cỏ không còn nữa. Chú tiểu ủ rũ nói: “Sư phụ, việc
làm hôm qua thành công cốc rồi, hạt cỏ đã bị cơn mưa to đêm qua
cuốn đi hết” Nhưng hòa thượng già vẫn khoan thai nói: “Hạt cỏ bị
cuốn đến đâu thì sẽ nảy mầm ở đó, tùy duyên thôi!”
Chớp mắt, mùa xuân năm sau đã đến, trên bãi cỏ ngoài một vạt
lớn cỏ non xanh mướt mọc lên, còn có một số hoa dại hé nở. Lần
này, chú tiểu vui mừng vỗ tay cười mãi. Hòa thượng già điềm đạm
nói: “Tùy hỉ!”
Người xưa có câu: “Tính việc ở người, xong việc nhờ trời, không
thể cưỡng cầu.” Khi sự việc trái với ý nguyện, có nóng vội cũng
không nóng vội được. Thế thì, chúng ta chỉ có thể làm theo lời hòa
thượng già: tùy duyên.