Nhưng đầu vào thì to mà đầu ra thì bé. Những cây đá mập mạp nằm chết
dí trong xưởng. Đá bán buôn rất khó vì các xí nghiệp đông lạnh giờ sản
xuất theo lối khép kín. Họ tự làm lấy đá. Đầu ra của chị chủ yếu là bán lẻ
từng phích cho các quán nước. Những tờ đô la sột soạt giờ biến thành
những đồng bạc lẻ nhàu nát và đẫm mùi mồ hôi.
Trong xưởng, đá xếp hàng, đứng trang nghiêm như đội kiêu binh. Càng
đứng lâu, cây đá càng lùn dần, nhỏ dần rồi biến mất. Những đồng đô la lặng
lẽ biến thành nước. Sáu cỗ máy phải bán tống, bán tháo đi. Khi mua sáu tờ
mỗi cái, khi bán, khách trả mỗi chiếc ba tờ rưỡi, ba tờ. Còn cái nhà xưởng
thì tận bây giờ, khi tôi viết những dòng này vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Nhiều
người trả quá rẻ không bán được. Vài ông khách trả được giá lại đi đâu biệt
tăm.
Phần IV
Bộ phim “cực kỳ”
Bập Bùng vào đầu câu chuyện hơi bất ngờ:
- Ngày mai em hai mươi tuổi.
- Bịa! Em mà hai mươi? Hai mươi nhân hai thì có.
- Không phải em. Cô gái trong phim cơ. Ngày mai em hai mươi tuổi. Cô
gái ấy đẹp như hoa hậu. Rất đẹp và bất hạnh. Bố cô ta bị mù bẩm sinh.
Người mù bẩm sinh khó có thể có sinh ra đứa con sáng mắt, di truyền mà.
Ngày cô chào đời, bác sĩ đã soi đáy mắt của cô và nói chắc như đinh đóng
cột lim: “Đúng hai mươi tuổi, cháu sẽ bị mù”.
Ngày mai em hai mươi tuổi: nghĩa là quỹ ánh sáng của cô chỉ còn có một
ngày. Một nỗi bất hạnh khủng khiếp, lại có thể tính đếm được từng giờ,
từng phút. Còn bảy giờ nữa. Còn năm giờ nữa, hai mươi chín phút nữa. Đại
thể như thế.
Mẹ cô thời sinh viên vốn là một hoa khôi của trường đại học. Bà lấy
chồng không phải vì tình mà vì tiền. Chồng bà tuy mù nhưng lại là giám
đốc một công ty tư doanh. Vàng đã kéo bà ngã vào tay ông mù đặc ấy. Thế