- Chị ở Đức, thấy đá chẳng là gì cả. Còn ở ta, đá là vàng. Không có đá,
các cửa hàng giải khát phải đóng cửa. Không có đá, ngành thực phẩm đông
lạnh lao đao. Người ta sống cần đá đã đành, chết cũng cần đá. Tuần trước,
có nhà văn lão thành qua đời đúng lúc buồng ướp xác của bệnh viện Việt –
Xô bị hỏng. Vì ông là nhà văn lão thành nên không thể mang đi nghĩa trang
ngay được mà phải quản ở hội trường ba ngày cho bạn hữu, khách khứa đến
viếng. Thế là phải khuân đá về. Cứ sáu tiếng phải thay đá một lần, mỗi lần
tám cây. Chết như thế thật quá mát mẻ.
Mùa hè ở ta không thể thiếu đá. Vì thế, đã có không ít người giàu to nhờ
đá. Có một công nghệ có thể biến nước lã thành vàng, ấy là công nghệ điện
lạnh.
Dường như cảm thấy mình đã ba hoa quá nhiều, anh chàng kỹ sư điện
lạnh không “mở máy” nữa, nhường phần cho trí tưởng tượng mênh mông
của Bập Bùng. Chị hình dung trước mắt một cái xưởng đá rộng rãi, khang
trang, tiếng máy chạy lao xao, mấy đứa em chồng (cả em ruột lẫn em họ xa,
gần) tíu tít đi lại, trông máy, bán hàng. Bọn trẻ con trong phố đi học về,
chạy ùa vào xưởng, mỗi đứa vác một cục đá tướng, gặm, xoa lên cổ, mặt,
cười hở cả những chiếc răng sứt mẻ. Rồi mình sẽ phải mua một cái két sắt
và két lúc nào cũng đầy tiền. Mình sẽ may cho mẹ chiếc áo dài nhung và
biếu cụ hẳn một cái sổ tiết kiệm cỡ vài chục triệu. Mấy cô em chồng sẽ có
mỗi đứa một cái cup đi học, đi làm. Chao ôi! Hẳn lúc ấy, chúng sẽ quý chị
dâu lắm lắm. Năm trăm ngàn đồng một tấn đá. Hai tấn đá là một triệu, ai
bảo không giàu. Người làm ra tiền thì khó chứ tiền làm ra tiền thật dễ lắm
thay.
Không có trí tưởng tượng, không thể thành nghệ sĩ, Bập Bùng vốn là
nghệ sĩ. Trí tưởng tượng của chị hơi dư thừa.
Và xưởng đá ra đời còn to hơn cả trong giấc mơ của chị. Ngôi nhà
xưởng kiểu Tiệp, cao rộng giá 120 triệu đồng. Sáu cỗ máy làm đá mỗi cái
sáu trăm đô la. Và đường điện ba pha, thùng xốp to, nhỏ. Máy làm đá của
chị toàn loại máy hai lốc Mỹ, mới cứng nên cây đá làm ra rất già dặn, trong
suốt như pha lê.