- Mời các con vào nghỉ chân đã. Cơm nước mẹ nấu sẵn cả rồi.
Im lặng. Những cặp mắt nhìn bà lạnh băng. Đâu rồi những nụ cười cởi
mở cùng những ánh mắt ấm áp của các chiến sĩ? Đâu rồi những tiếng “Chào
mẹ Nguyễn” tíu tít và tin cậy? Vì sao mà cả những đứa từng nhận bà là mẹ
nuôi; từng được bà cho áo, cho tiền giờ đi qua cũng ngoảnh mặt đi? Bà có
lỗi gì?
Một đoàn quân nghỉ chân gần trạm tiếp đón của bà Nguyễn nhưng chẳng
ai vào. Khó khăn lắm bà Nguyễn mới được phép của cấp chỉ huy nói vài
câu với những người lính:
- Các con! Bao lâu nay mẹ xem các con như con, đứa nào cũng là con
trai của mẹ. Mẹ dựng lán trại để các con nghỉ chân, mẹ tích trữ gạo thịt để
khi các con về thì có cái mà ăn. Nếu mẹ có thiếu sót gì thì các con cứ nói
thật để mẹ sửa. Các con đừng để bụng và lạnh lùng như thế, mẹ tủi thân
lắm.
Cả đoàn quân im lặng như đá.
Viên chỉ huy ra lệnh:
- Nghiêm! Đi đề…u, bước.
Bà Nguyễn đứng nhìn theo đoàn quân đi xa dần, xa dần. Nước mắt bà
lặng lẽ trào ra, lăn nặng trĩu trên gò má sạm nắng. Chưa bao giờ bà thấy đau
khổ và hoang mang như bây giờ. Trời sinh ra bà để làm bà chủ. Bà khao
khát làm giàu như các thi sĩ khao khát làm thơ và các nhà chính trị khao
khát làm cách mạng. Chẳng lẽ điều đó là tội lỗi?
Có cái gì đó buốt lạnh chạy dọc sống lưng rồi lan khắp cơ thể, khiến bà
Nguyễn rùng mình. Bà mơ hồ linh cảm thấy tai họa đang đến gần.
Lúc này, nếu bà Nguyễn chạy vào Nam thì chắc chắn vẫn kịp. Song, bà
quyết không chạy. Là người của kháng chiến, hết lòng vì kháng chiến, bà
không muốn biến mình thành con thú bị săn đuổi. Vả lại, khi niềm tin đã bị
phản bội thì bà sống thêm nữa cũng chẳng để làm gì. Người ta không thể
sống thiếu niềm tin. Là người trọng sự thủy chung, bà Nguyễn biết tin và
sẵn sàng chết vì niềm tin.