xé. Làm trai thời buổi này mà không đi giữ nước thì sống làm gì? Bà
Nguyễn đã chọn hướng đi cho các con bà. Và, một khi bà đã quyết, có
nghĩa điều đó sẽ trở thành hiện thực.
Sau ngày tiễn hai con tòng quân, bà Nguyễn ốm mất mấy hôm. Bà hẫng
hụt như vừa bị đánh mất cái gì đó vô cùng quý báu. Bao năm qua, bà chăm
bẵm các con, chúng luôn trong vòng tay bà, hoàn toàn thuộc về bà. Giờ
chúng ra đi, như con chim đủ lông, đủ cánh bay vào bầu trời, cánh tay tuổi
tác của bà không với tới được. Chúng đã thuộc về bầu trời thăm thẳm, rộng
lớn kia, không còn là của riêng bà nữa. Chúng có thể trở về và cũng có thể
không trở về. Chiến tranh như trận cuồng phong và thân phận con người
như chiếc lá nhỏ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị đứt ra khỏi thân cành và
cuốn đi, cuốn mãi đi trong cõi mịt mù. Những điều đó, chỉ thoáng nghĩ thôi,
bà Nguyễn đã sợ đến vã mồ hôi hột.
Song, bà Nguyễn không giống như những người đàn bà khác, Những
khổ đau phiền muộn không đánh gục được bà. Vả lại, bây giờ bà đã là bà
chủ đồn điền. Ngày trước, ở Hải Phòng buôn sắt thép, bà Nguyễn chỉ có hai
chục người làm. Còn bây giờ, đồn điền của bà có hơn hai nghìn người, gồm
nông phu, thợ sơn tràng và công nhân của xí nghiệp đường. Cả guồng máy
đồ sộ này trông mong vào sự quán xuyến của bà. Vắng bà, mọi sự sẽ bế tắc
và đổ vỡ. Lúc đó, bát cơm manh áo của cả đồn điền sẽ bị đe dọa. Lại nữa,
vài năm gần đây đã mọc thêm nhiều đồn điền khác của các ông chủ Tây.
Những nhà doanh nghiệp mũi lõ, từ bên kia đại dương đã lục tục kéo nhau
sang đây, khai khẩn vùng bán sơn địa màu mỡ này và khai thác sức lao
động rẻ mạt của những người Việt Nam chân đất. Đằng sau các ông chủ ấy
có phủ Toàn quyền, có mật thám, cảnh sát và những binh đoàn lê dương…
Ỷ thế mạnh, các ông chủ Tây lăm le đè bẹp các ông chủ An Nam. Chỉ nội
việc đó thôi đã khiến bà Nguyễn điên máu. Bà âm thầm thách thức tất thảy.
Không có quân đội, cảnh sát và chính quyền thực dân đứng phía sau, bà
Nguyễn chỉ có tấm lòng, chút tài năng làm giàu và hơn hai nghìn người Việt
Nam da vàng, máu đỏ. Họ là đồng minh bền chặt của bà. Hơn nữa, bà với
họ có chung một tên gọi thiêng liêng – đồng bào.