Gia đình là cái góc nhỏ không có ngoài xã hội, như cái tổ chim không có
giữa bầu trời. Vì bàu trời nhiều giông bão nên cái tổ phải yên ấm. Cái tổ của
Lương là vậy. Dù đời có sóng gió đến đâu thì trên gương mặt Hà (vợ
Lương) cũng không gợn sóng, không một cái cau mày, không tiếng thở dài.
Dù cơm dưa muối, cô vẫn đón chồng bằng nụ cười trên môi và những tia
lửa ấm trong đáy mắt. Bạn buôn của Lương vỡ nợ, kéo theo cả món nợ kếch
sù của Lương thì Hà cắm cúi đan len góp tiền cho chồng trả nợ lãi. Khi nhà
hết tiền thì Hà đi vay bạn bè để chi dùng. Song không thể sống mãi như thế
được. Vợ chồng Lương quyết định đi lao động hợp tác với CHDC Đức.
Nước Đức, những năm cuối của thập kỷ tám mươi bức bối và náo động.
Công nhân đình công, sinh viên biểu tình, bức tường Bec-lin bị đạp đổ, giữa
những người Đức không còn biên giới nữa. Ấy là bối cảnh thuận lợi cho
nghề buôn. Mỗi ngày “chạy chợ” vợ chồng Lương kiếm được dăm chục
Dmác, khi gặp mối lớn, số lãi tăng ba, bốn lần.
Sau một năm, đôi uyên ương ấy đã tích cóp được một số vốn liếng,
không lớn lắm song cũng đủ tạo dựng một cơ nghiệp. Nhưng rồi Lương lại
trắng tay. Một anh bạn “đụt” xin theo Lương học nghề buôn. Khi gặp cảnh
sát đã vứt cả bao hàng chạy thoát thân.
Lương về nhà, mặt bạc như tờ giấy. Hà nhìn dáng điệu phờ phạc của
chồng, biết ngay có tai họa. Cô nắm chặt tay chồng:
- Thôi! Em không mất anh là được rồi.
Một câu ấy đủ xóa sạch mọi sóng gió trong tâm can Lương. Cũng một
câu ấy đủ để Lương bật dậy, gạt mọi rủi ro về phía sau để tiếp tục phấn đấu.
Rồi Lương lại có tiền, hơi nhiều là đằng khác – Những 32.000 Dmác.
Buổi sáng ấy, Lương ra đi rồi lại quay về. Hắn không yên tâm lắm về
32.000 Dmác đang để trong tủ. Hắn mở khóa, rút tập tiền đút sâu vào túi
Natô, gài thêm một con dao găm nữa vào bít tất bên chân phải.
Đường phố Dresden người, xe ào ạt như lũ ngan. Lương chưa kịp vẫy
Taxi thì một chiếc Lada đã lao tới, đỗ xịch ngay cạnh:
- Có phải mày cần cigarettes?