giác ở đầu ngón tay khi thò vào miệng hang. Để có được cái cảm giác ấy
phải bị đứt tay biết bao lần bởi mảnh sành, mảnh chai và đôi khi cả rắn cắn.
Đầu ngón tay của Lương nhăn nhít những vết sẹo. Lần đầu, cầm mấy đồng
bạc của con, bà mẹ nghèo rơm rớm nước mắt, vì mừng, vì xót xa; mừng vì
bà thấy con trai sớm khôn, biết thương bố mẹ, xót xa vì cảnh nhà nghèo,
con một tí tuổi đầu đã phải lo kiếm sống. Trong giọt nước mắt hiếm hoi của
bà mẹ già chất chứa bao nỗi niềm.
II. Kiếm sống
Ai cũng phải kiếm sống và mỗi người có một cách kiếm sống riêng.
Những con cá con lươn nuôi Lương qua ngày, qua năm. Con nhà giàu xị
mặt xuống, bỏ bát đũa khi thấy mâm cơm không có thịt. Còn con nhà nghèo
thì giật thót mình mỗi khi nghe tiếng ống bơ nạo sồn sột dưới đáy thùng
gạo. Lương đã từng hơn một lần phải nghe cái âm thanh ấy, s…ộ…t! Cứ
như miệng cái ống sắt nạo tận đáy tâm can mình. Và Lương quyết bươn bả
đi kiếm tiền, đều đặn mỗi ngày có cho mẹ bốn đồng, hôm nào kiếm được
sáu đồng thì bớt lại hai đồng dành cho hôm sau hoặc những ngày mưa to,
gió lớn không đi bắt lươn được.
Và Lương học hết phổ thông, thi vào đại học kinh tế kế hoạch. Có một
thời, rất nhiều năm, thanh niên cả nước có một cách kiếm sống là vào đại
học. Sinh viên đại học được Nhà nước nuôi, ra trường có việc làm. Hình
như mục tiêu tuyệt vời nhất của lớp trẻ hồi ấy là đi học để sau làm cán bộ.
Song, Lương biết mình nhầm ngay sau khi vừa tốt nghiệp. Con nhà nghèo,
dù có học giỏi cũng không dễ kiếm được việc làm và nếu có kiếm được thì
cũng vẫn nghèo. Thôi, không mơ làm cán bộ nữa. Lương chọn một hướng
sống khác – đi buôn. Mới đầu, Lương chỉ mới dám buôn bán cò con thôi,
thuốc lá và hàng nhựa, tuần trước rải hàng, tuần sau nhặt tiền và lại rải tiếp.
Không có nghề nào nhiều bất trắc như nghề buôn. Vì thế nên phải “buôn
có bạn, bán có phường”. Ngoài bạn làm ăn, Lương còn cần có bạn đời. Số
phận đã dành cho Lương một ân huệ lớn. Bạn đời của Lương là một cô gái
hiền thục, đoan trang và can đảm.