Chọn mặt hàng là khó nhất. Phải chọn cho trúng. Trước hết phải tránh xa
các mặt hàng cấm. Đụng vào đấy trước sau gì cũng có ngày vào tù. Nhưng
buôn hàng cấm thì có lãi to, còn những hàng tự do thì lãi ít. Do biết chút ít
tiếng Anh và tiếng Nga nên em cũng võ vẽ đọc được báo chí nước ngoài.
Nhờ thế mà em đã chọn được mặt hàng nửa cấm, nửa không cấm. Nửa cấm
thuộc về phía Mỹ (Mỹ đang cấm vận đối với Việt Nam). Nửa không cấm
thuộc về phía Việt Nam (Chính phủ ta đang khuyến khích nhập khẩu kỹ
thuật, miễn thuế, hoặc đánh thuế thấp). Máy tính điện tử là mặt hàng số một
Mỹ cấm vận, cũng là mặt hàng số một ta khuyến khích nhập. Nghĩa là em
đã chọn được mặt hàng lý tưởng. Buôn món này còn lãi hơn cả thuốc phiện.
Trong cuộc sống bất kỳ lĩnh vực nào cũng có nghệ thuật chọc khe. Cầu
thủ bóng đá chọc khe để làm bàn, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chọc khe để
tác phẩm của mình không giống với người khác… Và, buôn bán cũng phải
chọc khe.
Muốn buôn máy tính điện tử của các nước phương Tây, không có
phương thức nào tốt hơn là “chọc khe” qua Băng Cốc (vì Thái Lan không bị
cấm vận, lại rất gần).
Vấn đề cuối cùng là con người. Phải tìm cho được một người thật rành
về máy tính điện tử.
Trong một lần “đổ” xi măng Bỉm Sơn cho một công ty xây dựng ở Hà
Nội, em vớ được một cô kỹ sư máy tính điện tử, học ở Nhật về, đang thất
nghiệp, giờ làm tạp vụ cho một công ty hưởng lương hợp đồng. Thế là em
tuyển cô ấy, trả ba chỉ vàng mỗi tháng, nuôi cơm. Tên cô ta là Hậu.
Em chọn cảng Xihanucvin làm địa bàn vì nó gần Thái Lan và sang bên
đó dễ nhất, an toàn nhất. Một vấn đề rất quan trọng cần phải tính là ém
người và em muốn sao cho an toàn. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ, em
chọn phương án đi tu. Ở Cam-pu-chia, xin đi tu là dễ nhất. Bọn trộm cướp
cũng ít để mắt tới nhà chùa (vì em luôn phải dự trữ từ năm đến mười ki lô
vàng). Các cơ quan an ninh cũng ít kiểm tra chùa. Tất nhiên, Hậu không thể
đi tu như em, cô ấy phải ở ngoài đón hàng, nhận hàng. Suýt nữa thì Hậu bị
lừa. Ở gần cảng, có mụ Hân (Việt Kiều) hành nghề nhà chứa, núp danh