chưa bao giờ có cùng cảm giác về nó - tôi chưa bao giờ tin nó lắm - như
cách tôi tin những sự kiện thời Hy Lạp và La Mã, hay Đế chế Anh, hay
Cách mạng Nga. Có lẽ tôi chỉ cảm thấy yên ổn hơn khi lịch sử dù ít dù
nhiều đã được mọi người đồng tình. Hoặc có lẽ đó vẫn là cùng một nghịch
lý mà thôi: lịch sử diễn ra ngay dưới mũi ta nhất định phải là thứ lịch sử rõ
ràng nhất, nhưng lại cũng là thứ dễ tan chảy hơn cả. Ta sống trong dòng
thời gian, nó trói buộc ta và định nghĩa ta, và thời gian cũng là thước đo
lịch sử, chẳng phải vậy sao? Nhưng nếu như ta chẳng thể hiểu thời gian,
chẳng thể nắm bắt được những điều huyền bí của nhịp độ và tiến bộ của nó,
vậy thì cơ hội nào cho ta trong dòng lịch sử - cho dù chỉ một mảnh nhỏ, cá
nhân, chủ yếu không được lưu trữ lại của ta ở trong nó?
*
* *
Khi ta trẻ, ai trên tuổi ba mươi trông cũng như trung niên cả, ai trên
năm mươi thì càng cổ xưa. Và thời gian, cứ chảy trôi mãi, khẳng định rằng
ta chẳng hề sai. Những khác biệt tuổi tác ấy, quá ư cốt yếu và thô bạo khi ta
trẻ, sẽ xói mòn dần. Rốt cuộc rồi chúng ta cũng thuộc cả về một thể loại mà
thôi, cái loại không-trẻ. Tôi chưa khi nào phiền lòng lắm về chuyện ấy.
Nhưng quy tắc này có các ngoại lệ. Với một số người, những khác biệt
thời gian trong tuổi trẻ sẽ chẳng bao giờ thực sự mất đi: con trưởng vẫn là
con trưởng, cho dù cả hai đều mọc râu bạc cả rồi. Với một số người, một
khoảng cách, xem nào, năm tháng đi, đã có nghĩa là anh - hay chị - này sẽ
ngoan cố cho rằng bản thân khôn ngoan hơn và hiểu biết hơn người kia, bất
kể bằng chứng có cho thấy điều ngược lại thế nào chăng nữa. Hoặc giả tôi
phải nói bởi vì bằng chứng cho thầy điều ngược lại. Bởi vì hoàn toàn rõ
ràng là với bất cứ quan sát viên khách quan nào thì cán cân cũng đã ngả về
phía người trẻ hơn chút ít ấy, người kia chỉ còn duy trì cái vẻ ngạo mạn về
sự vượt trội này theo cái cách càng khắc khổ hơn. Theo cái cách càng bấn
loạn hơn.