XVIII. NHỮNG NGƯỜI KHÁCH RỦI RO
C
ũng đồng thời với lúc viên trưởng phòng tài vụ tận tụy ngồi trên xe
taxi để đi đến đụng đầu với bộ comlê biết viết, từ toa ghế mềm số chín của
đoàn tàu đi từ Kiev đến Moskva có một người khách lịch sự tay cầm chiếc
vali nhỏ bằng cáctông giả da bước xuống sân ga. Người khách đó không
phải ai khác, mà chính là Maksimilian Andreevich Poplavski, ông dượng
của nhà văn Berlioz quá cố, một nhà kinh tế – kế hoạch hiện sống ở Kiev
trên đường phố Ðại học trước đây. Nguyên nhân của chuyến đi đến Moskva
của Maksimilian Andreevich là bức điện ông ta nhận được tối hôm kia với
nội dung như sau:
“Cháu vừa bị xe điện chẹt ở Hồ Pat’riarsi. Mai táng vào thứ sáu, ba giờ
chiều. Dượng đến gấp. Berlioz”.
Maksimilian Andreevich được coi, và cũng rất xứng đáng, là một trong
những người thông minh nhất ở Kiev. Nhưng cả người thông minh nhất
cũng bị một bức điện như vậy làm cho rối trí. Nếu một người đã đánh được
điện nói rằng anh ta bị xe điện chẹt, thì có nghĩa là anh ta không bị chẹt đến
chết. Nhưng đã thế thì tại sao lại có mai táng? Hay là anh ta bị rất nặng và
thấy trước rằng mình sẽ chết? Ðiều đó thì có thể, nhưng có một điểm cực kỳ
lạ lùng là sự chính xác – do đâu anh ta biết được rằng người ta sẽ mai táng
mình vào ba giờ chiều ngày thứ sáu? Một bức điện kỳ quái!
Nhưng những người thông minh vốn sinh ra thông minh là để phân tích
những chuyện rối rắm. Rất đơn giản. Ở đây đã xảy ra một sự lầm lẫn, và bức
điện được gửi đi với sự lầm lẫn đó. Từ “cháu” ở đây không còn nghi ngờ gì
nữa, nhảy sang từ một bức điện khác thay vào từ “Berlioz”, còn cái từ
Berlioz này lại rơi vào cuối bức điện. Nếu sửa chữa lại theo hướng đó, thì ý
nghĩa của bức điện trở nên rõ ràng, nhưng tất nhiên, vẫn đầy bi thảm.
Khi cơn đau khổ bột phát bao trùm lấy bà vợ của Maksimilian
Andreevich đã qua, ông ta liền lập tức thu xếp để đi Moskva.