“Ra thế, ra thế”, bác sĩ nói với vẻ rất thỏa mãn, “còn tại sao lại có vết
xước? Ðánh lộn với ai à?”
“Anh ấy ngã từ hàng rào xuống, rồi sau ở trong tiệm ăn đánh một
anh… và một vài người khác nữa…”
“Thế, thế, thế”, bác sĩ nói, và quay sang Ivan, tiếp: “Chào anh!”
“Chào, đồ phá hoại!” Ivan đáp to và giận dữ.
Riukhin ngượng đến mức không dám ngước mắt lên nhìn người bác sĩ
lịch thiệp. Nhưng ông ta hoàn toàn không tỏ vẻ gì là tức giận, bằng một
động tác quen thuộc khéo léo gỡ cặp kính xuống, nhấc vạt áo choàng ngoài
lên, nhét kính vào túi sau của quần dài, rồi hỏi Ivan:
“Anh bao nhiêu tuổi?”
“Cút mẹ các người đi, thật đấy!” Ivan cục cằn hét lên và ngoảnh mặt đi.
“Tại sao anh lại cáu như vậy? Chẳng lẽ tôi có nói cái gì khó chịu với
anh sao?”
“Tôi hai mươi ba tuổi”, Ivan kích động nói, “tôi sẽ viết giấy kiện tất cả
các người. Mà đặc biệt là cái thằng khốn nạn này!” Ivan nhấn mạnh chỉ về
phía Riukhin.
“Thế anh định kiện về chuyện gì?”
“Về chuyện các người bắt ta, một người khỏe mạnh, rồi dùng sức lôi ta
đến cái nhà điên này!” Ivan giận dữ đáp.
Ðến đây Riukhin nhìn kỹ vào mặt Ivan và lạnh toát người: trong mắt
của nhà thơ hoàn toàn không có một biểu hiện mất trí nào. Cặp mắt khi ở
nhà Griboedov đục ngầu giờ trở nên trong sáng như trước kia.
“Cha ơi!” – Riukhin sợ hãi thầm thốt lên, “anh ta quả là khỏe mạnh
sao? Ðúng là ngớ ngẩn thế nào ấy! Thật ra tại sao chúng ta lại lôi anh ấy đến
đây? Khỏe mạnh, bình thường, chỉ có da mặt bị xước…”.
“Hiện nay anh đang ở”, viên bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế đẩu trắng,
chân bằng thép mạ sáng loáng, bình tĩnh nói, “không phải trong nhà điên mà