cả, không có một nàng tiên nào đến với hắn, các nữ thần không ngó ngàng gì
đến hắn, và hắn không xây được bất kỳ cung điện, lâu đài nào, mà ngược lại,
đời hắn kết thúc rất hèn mạt, chết vì bị vỡ tim trên chiếc hòm đựng ngoại tệ
và đá quý của mình. Tôi báo trước, với các anh rồi cũng sẽ xảy ra một cái gì
đó tương tự, nếu như không tồi hơn, một khi các anh không chịu nộp hết
ngoại tệ!”
Không biết do thi ca của Puskin hay những câu văn xuôi của người
điều khiển chương trình đã gây một ấn tượng mạnh, chỉ biết rằng từ dưới
phòng xem bất ngờ vang lên một giọng nói rụt rè:
“Tôi xin nộp ngoại tệ.”
“Xin mời lên sâu khấu!” người điều khiển chương trình nhìn xuống
phòng xem, nhã nhặn cất tiếng mời.
Và trên sân khấu xuất hiện một gã đàn ông tóc bạch kim, vóc người
thấp bé, xét qua bộ mặt có thể đoán là đã gần ba tuần nay chưa cạo râu.
“Xin lỗi, họ tên của anh là gì ạ?” người điều khiển chương trình hỏi.
“Kanavkin Nikolai”, gã đàn ông ngượng nghịu đáp.
“Ồ rất hân hạnh, thưa công dân Kanavkin! Vậy là?…”
“Tôi xin nộp”, Kanavkin nói khẽ.
“Bao nhiêu?
“Một nghìn đô la và hai mươi đồng mười rúp vàng.”
“Tốt lắm! Ðó là tất cả số anh có?”
Người điều khiển chương trình nhìn thẳng vào mắt Kanavkin, và
Nikanor Ivanovich có cảm tưởng như đôi mắt của anh ta phát ra những tia
sáng như những tia rơnghen cắm xuyên qua người Kanavkin.
Trong phòng mọi người như ngừng thở.
“Tôi tin!” cuối cùng nhà nghệ sĩ tắt ánh mắt của mình và kêu lên: “tôi
tin! Ðôi mắt này không nói dối. Ðã bao lần tôi nói với các anh rằng, cái sai
lầm chính của các anh là ở chỗ các anh không đánh giá đúng ý nghĩa của cặp
mắt con người. Các anh nên hiểu rằng cái lưỡi có thể giấu giếm sự thật, còn