cặp mắt thì không bao giờ! Người ta hỏi anh một câu bất ngờ nào đó, anh
thậm chí không giật mình, trong một giây anh tự chủ được và biết rằng cần
phải nói gì để che giấu sự thật; và anh nói một cách khá thuyết phục, không
một thớ gân nào trên mặt anh thay đổi, nhưng than ôi, cái sự thật đã bị câu
hỏi kia đánh động từ đáy sâu tâm hồn của anh trong một thoáng nổi lên lộ ra
trong đôi mắt anh, và thế là hết! Người ta sẽ nhận thấy nó, cái sự thật ấy và
anh lộ tẩy!”
Sau khi nói một cách sôi nổi bài diễn giảng hùng hồn đó, nhà nghệ sĩ
dịu dàng hỏi Kanavkin:
“Anh giấu ở đâu?”
“Ở chỗ bà cô của tôi trên phố Pretristenka…”
“A! Ðó là… hượm đã… đó là bà Klavdia Ilinichna Porokhovnicova
phải không?”
“Vâng!”
“Ô, đúng, đúng, đúng, đúng! Có phải là ngôi biệt thự nhỏ? Ðối diện
còn một khu vườn nhỏ phải không? Ồ, tôi biết, tôi biết! Thế anh nhét vào
đâu ở đấy?”
“Dưới hầm, trong hộp bíchcốt “Einem”…
Nhà nghệ sĩ vung hai tay kinh ngạc.
“Các anh đã thấy chưa?” anh ta đau khổ thốt lên. “Ở đó thì chúng bị
ẩm, mục nát mất! Chẳng lẽ lại giao ngoại tệ cho những người như vậy được
sao? Hả? Thật đúng là trẻ con.”
Bản thân Kanavkin cũng hiểu là mình đã làm điều dại dột và đáng phải
chịu phạt. Ông ta ủ rũ cúi thấp mái đầu bù xù của mình xuống.
“Tiền bạc phải được bảo quản ở ngân hàng nhà nước”, nhà nghệ sĩ tiếp
tục nói, “ở trong các gian phòng khô ráo đặc biệt và được bảo vệ cẩn mật,
chứ không thể để dưới hầm nhà bà cô được, nơi chúng có thể bị, nói thí dụ,
lũ chuột gặm hỏng! Ðúng là xấu hổ quá, anh Kanavkin! Mà anh là người lớn
đấy!”