Cuối cùng, câu chuyện kể mà tác giả không phải một lần gọi là “chân
thực nhất” chứa nhiều giả định, “những lời đồn đại” và những điều nói dở
dang, toát ra một mầu huyễn tưởng khó tin mang trong mình vô số mâu
thuẫn hiển nhiên, điều có thể xem là hợp lí hóa tính không xác định của nội
dung phần này.
Và đúng như thế. Tác giả cuốn tiểu thuyết về Nghệ Nhân giới thiệu với
độc giả hai mô hình không dung hợp của thế giới được ông miêu tả: triết lí-
tôn giáo bi thảm và thông tục-hài hước mang tính hoạt kê. Mô hình thứ nhất
đưa ra sự giải thích mặc khải về những gì dang diễn ra, lí giải Voland là
Satan, còn việc ông ta xuất hiện ở Moskva là sự bắt đầu của Ngày Phán
quyết Cuối cùng; cái chết của Nghệ Nhân và Margarita là sự chuyển dời của
họ vào thế giới siêu nhiên, còn những giấc mơ của giáo sư Ponưrev là sự
giao lưu thần bí với thế giới bên kia. Mô hình thứ hai tuyên bố Voland và
“tùy tùng” của ông ta là “một băng những kẻ ảo thuật nói giọng bụng”; một
phần các sự kiện – như không phải đã xẩy ra mà chỉ là do một số nhân vật
tưởng tượng thấy, còn toàn bộ những huyễn tưởng chỉ là “thủ pháp kỹ
thuật”, cho phép mở rộng cái cốt truyện thú vị, tạo nên những tình huống
khác thường đặng “biểu lộ” tính cách của các nhân vật trần thế hiện thực,
bóc trần một số mặt của sự tồn tại trần thế khá hiện thực của chúng ta. Tác
giả hiểu sự không thể hòa trộn của hai cách lí giải này: “Gần như tất cả đã
được giải thích”, – ông viết thế, nhưng vẫn để lại những “lỗ hổng”: “Vào
nửa đêm có bóng ma dưới địa ngục” hay không có? Ai tố giác Bosoi –
Timofei Kvasov hay Koroviev? Stepan Likhodeev có đến Ialta hay không?
Nghệ Nhân và Margarita biến đi không dấu vết hay đã chết – nàng ở nhà
mình, còn anh ở trong bệnh viện? v.v.
Dẫu có sự đối lập rõ ràng giữa hai tiểu thuyết, chúng vẫn tạo nên một
tác phẩm trọn vẹn. Thậm chí các tuyến cốt truyện của hai tiểu thuyết cùng
kết thúc trong một điểm không – thời gian, ở đó Pilat và Nghệ Nhân cùng
được giải phóng. Sự kết thúc thống nhất về mặt cốt truyện đó cũng tương
ứng với sự phát triển song song các xung đột, các tình huống và các nhân vật
của tiểu thuyết “xưa” và tiểu thuyết “hiện đại”. Và chỉ trong sự tương quan
này mới mở ra ý tưởng của tác phẩm.