“Annuska… Annuska?…” nhà thơ lẩm bẩm, ngơ ngác nhìn quanh,
“hượm nào, hượm nào…”
Bên cạnh từ “Annuska” xuất hiện thêm mấy từ “dầu hướng dương”, rồi
sau đó, không hiểu sao tiếp theo là từ “Ponti Pilat”. Nhà thơ gạt Pilat sang
một bên, quyết tâm lần mối, bắt đầu từ từ “Annuska”. Và cái mối đó được
lần ra rất nhanh, nó dẫn ngay đến tay giáo sư điên dại nọ.
Ðúng rồi. Ðây chính là ông ta đã nói rằng sẽ không có cuộc họp vì
Annuska đã làm đổ dầu. Và quả thật, sẽ không có cuộc họp! Như thế còn
chưa hết: ông ta còn nói thẳng ra rằng Berlioz sẽ bị một người phụ nữ cắt
đầu! Ðúng, đúng, đúng thế. Lái xe điện đúng là phụ nữ. Thế này là thế nào,
hả?
Không có gì phải nghi ngờ nữa, tay chuyên gia bí ẩn này đã biết trước
chính xác toàn bộ sự tình chung quanh cái chết khủng khiếp của Berlioz.
Trong đầu nhà thơ vụt lóe lên hai ý nghĩ. Thứ nhất: “Hắn ta hoàn toàn không
phải là người điên! Tất cả những cái đó chỉ là trò lừa lọc!”. Và thứ hai: “có
phải chính hắn ta đã bố trí tất cả như vậy không?”
Nhưng, xin phép hỏi, bằng cách nào?!
“Ồ không! Rồi chúng ta sẽ biết!”
Gắng dồn hết sức lực, Ivan Nikolaievich đứng dậy và chạy bổ về chỗ
cũ, nơi vừa ngồi nói chuyện với tay giáo sư nọ. Và thật may, ông ta còn chưa
đi khỏi.
Trên đường Bronnaia đèn đã bật sáng, một vầng trăng vàng tròn trịa
treo trên Hồ Pat’riarsi; và dưới ánh trăng, thứ ánh sáng bao giờ cũng mờ ảo,
Ivan Nikolaievich có cảm tưởng như ông ta đang đứng, cắp dưới nách không
phải chiếc gậy, mà là cây kiếm.
Tay cựu quản ca nhà thờ về hưu đang ngồi đúng chỗ Ivan Nikolaievich
vừa ngồi mới đây. Bây giờ anh ta đã ngoắc lên mũi một kẹp kính rõ ràng là
không cần thiết, một bên hoàn toàn không có mắt kính, còn bên kia thì bị
nứt rạn. Ðiều đó làm cho người đàn ông mặc quần dài kẻ ô trông lại càng kỳ
dị hơn so với lúc anh ta chỉ lối cho Berlioz đi ra đường ray.