một khoản tiền lớn đấy! Nếu các bạn không mua bảo hiểm và các bạn tử
thương, chính phủ cũng sẽ không hỗ trợ cho gia đình các bạn một khoản
nào. Câu hỏi của tôi là: Các bạn nghĩ chính phủ sẽ cử những ai ra tiền tuyến
đầu tiên? Những người đáng giá 10.000 đô la khi họ tử trận hay những
người mà cái chết của họ không đáng giá 1 xu?
Thế là tất cả những chàng trai đó đã mua bảo hiểm.
Thực sự, tôi nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện này. Tuy nhiên, trên
thực tế, nó đã minh họa cho luận điểm trên một cách hoàn hảo. Điểm mấu
chốt được đưa ra ở đây là: “bất kể bạn đang chào bán loại hàng hóa nào,
hãy làm cho nó trở nên thật đơn giản và dễ hiểu để giúp khách hàng hiểu
rằng việc mua nó sẽ tốt hơn là không mua”.
CHIẾN THUẬT “CHỚP THỜI CƠ”
Năm 1952, dù sống ở Florence, South Carolina nhưng tôi lại làm việc ở
Wilmington, North Carolina. Một buổi tối muộn ngày thứ Bảy, khi tôi đang
lái xe “như bay” trên đường trở về Florence, một cảnh sát tuần tra khu vực
đường cao tốc đã chặn xe tôi lại và chìa ra một tờ giấy phạt. Vì chúng tôi
cùng quen một người bạn nên anh ấy cho phép tôi đi mà không phải nộp
tiền phạt ngay, với điều kiện tôi phải dừng lại ở Whiteville, North Carolina
vào thứ Hai để nộp phạt. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ số tiền bị phạt là 30 đô la.
Vào năm 1952 thì đó là một số tiền đáng kể.
Sáng thứ Hai, tôi ghé tòa án để nộp phạt. Khi tôi đưa số tiền nộp phạt cho
một người phụ nữ trẻ ở quầy thu ngân, một ý nghĩ chợt đến với tôi. Nếu tận
dụng cơ hội đang có, tôi sẽ bù lại được số tiền mình đã mất. Bởi tôi đâu có
mất mát gì khi làm việc này nên tôi nói:
- Tôi đang tự hỏi nếu cô không phiền, tôi có thể hỏi cô vài câu hỏi không,
thưa cô?