BẶP BẶP: Tiếng cá lóc đớp mồi. Đây là tiếng của người đi câu nhắp, câu rê
bắt chước tiếng cá lóc đớp mồi phát ra trong khi nhắp mồi hoặc rê mồi trên
luồng câu, với hy vọng kích thích cá lóc bên dưới sẽ dạn dĩ nhào ra đớp mồi.
BUÔNG CẦN: Thả mồi xuống nước rồi cầm cần câu chờ cá đến ăn mồi mà
giựt.
CÁ CẮN CÂU: Cá ăn mồi.
CẦN CÂU CƠM: Câu thành ngữ nói đến phương tiện để mưu sinh của một
người nào đó. ở đây ám chỉ việc đi câu là nghề chính của tay thợ câu chuyên
nghiệp.
CÂU CÁ ĐỒNG: Đi câu ngoài đồng ruộng, câu tại bàu, đìa, ao hồ, mương
rạch.. Cá câu là các loại cá đồng như cá lóc, rô, trê, sặt... Câu cá đồng
thường câu theo mùa, đó là mùa mưa.
CÂU CẮM: Câu với cần câu bằng thanh tre vót nhỏ như ngón tay út và dài
chừng 70cm, gốc cần to còn ngọn cần thì oặt dịu. Sợi nhợ của câu cắm chỉ
ngắn chừng 50cm nhưng to, chắc và lưỡi câu to, vì câu cắm thường dính
những loại cá lớn như lóc, trê, có khi cả lươn, rắn. Những loại cá lớn này mà
gặp lưỡi câu nhỏ, nhợ cũng nhỏ thì chúng sẽ nghiến đứt nhợ hoặc ngoác lưỡi
câu. Câu cắm thường câu với nhiều cần: hàng chục, hàng trăm cần. cần được
cắm dọc theo bờ ruộng với khoảng cách giữa hai cần chừng ba, bốn mét.
CÂU CHUYÊN NGHIỆP: Người coi nghề đi câu là nghề chính để mưu
sinh, cho nên ngày nào họ cũng vác cần đến các bãi câu. Tôm cá câu được
nếu ít thì để ăn, còn nhiều thì đem ra chợ bán. Thợ câu chuyên nghiệp
thường được gọi là “tay sát cá”.
CÂU ĐÊM: Đi câu vào ban đêm (như câu cắm ở ngoài đồng, câu mực và
câu cá ở biển).