cho thật hay và phù hợp với những khán giả hiện đang lắng nghe ta nói.
Bằng cách nào bây giờ? Chúng ta hãy xem xét một số cách sau.
Tóm tắt những điểm chính
Ngay cả trong những bài trình bày ngắn chỉ trong ba đến năm phút diễn
giả cũng thường có xu hướng tóm lại một số ý trong khi trình bày. Cho nên
đến phần kết người nghe cũng phần nào đoán ra những ý chính trong bài.
Tuy nhiên một số diễn giả vẫn còn nhầm lẫn khi cho rằng những ý mình
trình bày đều rõ ràng, mạch lạc rồi nên cũng không cần quan tâm lắm đến
việc kết bài nói như thế nào. Thực chất của vấn đề lại là mặc dù diễn giả đã
trình bày, thậm chí có nhắc đi nhắc lại những ý chính rồi thì những ý chính
đó có khi cũng không được người nghe thật sự ghi nhớ. Người nghe thường
có xu hướng “có thể nhớ rất nhiều nhưng không phân biệt thứ gì với thứ gì
được”.
Nghe nói một chính trị gia người Ailen đã từng khuyên những người làm
công tác trình bày như sau: “Trước tiên hãy nói cho người nghe biết bạn sẽ
trình bày cho họ nghe điều gì. Sau đó hãy nói cho họ biết bạn vừa trình bày
điều gì xong”. Cách này không tồi phải không? Trên thực tế thì mọi người
cũng nên theo lời khuyên này “Nói cho họ biết bạn vừa trình bày cho họ
nghe điều gì”. Hãy nói nhanh, ngắn gọn, lướt qua những ý chính, tóm tắt lại
những gì mình đã trình bày.
Các bạn hãy theo dõi một ví dụ dưới đây. Người trình bày là một cán bộ
quản lý giao thông của một công ty xe lửa Chicago:
Thưa các bạn, nói tóm lại, chúng ta đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực
này. Lĩnh vực này đã được sử dụng ở phía Đông, phía Tây, phía Bắc. Việc
tiết kiệm chi phí, việc ngăn chặn các tổn thất rủi ro trong một năm đã khiến
cho tôi nghĩ tới việc ngay lập tức sẽ lắp đặt và vận hành thêm một chi nhánh
nữa ở phía Nam.
Các bạn đã thấy ý chính người nói muốn trình bày rồi phải không? Chỉ
trong mấy câu ngắn gọn người nói đã tóm tắt những ý chính trong toàn bộ
bài nói của mình giúp cho người nghe dễ hiểu.