Kêu gọi hành động
Một phần kết có câu trích dẫn là một ví dụ điển hình của phần kết kêu gọi
hành động. Người trình bày muốn điều gì đó phải được thực hiện: một chi
nhánh nữa sẽ được lắp đặt và vận hành ở phía Nam. Người trình bày đưa ra
một số lý do như dựa trên việc tiết kiệm chi phí, việc ngăn chặn các tổn thất
rủi ro. Khi muốn kêu gọi hành động, thì bài nói cần mang tính thực tế. Phần
kết cũng góp vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra lời kêu gọi hành động
đó.
Đưa ra lời khen ngợi ngắn gọn, chân thật
Pennsylvania sẽ dẫn đầu trong việc đẩy nhanh tương lai tươi sáng đến
gần. Pennsylvania, nơi sản xuất sắt và thép lớn nhất, quê hương của công ty
xe lửa lớn nhất thế giới, và là bang đứng thứ ba về sản xuất nông nghiệp, sẽ
là hòn đá tảng trong sản xuất kinh doanh. Chưa bao giờ tương lai tươi sáng
lại mở ra đối với Pennsylvania như lúc này, và cũng chưa bao giờ cơ hội để
trở thành bang dẫn đầu cũng sáng lạng như vậy.
Chỉ với những câu đó, Charles Schwab kết bài trình bày của mình trong
hội nghị Xã hội Pennsylvania của New York. Ông đã làm cho khán giả hài
lòng, tin tưởng vào tương lai của Pennsylvania. Những người có kinh
nghiệm khi trình bày luôn khuyến khích kết thúc bài nói như vậy. Cũng nên
nhớ rằng để đạt hiệu quả cao còn cần đến sự chân thật. Không nên tâng bốc,
cũng không nên xu nịnh. Cách kết này có đặc điểm là nếu lời khen không
đúng, không thân tình thì sẽ không mang lại hiệu quả gì cho bài nói, thậm
chí còn gây khó chịu cho người nghe.
Phần kết hài hước
George Coban đã từng nói: “Luôn luôn để lại tiếng cười cho mọi người
khi bạn nói lời tạm biệt”. Nếu bạn có khả năng làm được như thế thì rất tốt.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là nên thực hiện như thế nào bây giờ nhỉ? Mỗi
người phải thực hiện theo những cách riêng của mình vì nó còn phụ thuộc
vào khả năng của từng người.