“Tôi sẽ nói về điểm này, điểm này. Tôi sẽ nói vấn đề này chắc chắn sẽ được
thực hiện do các lý do sau..” Sau đó bạn sẽ liệt kê những lý do đó cho chính
bản thân mình và minh hoạ chúng bằng những trường hợp cụ thể. Đó không
phải là cách bạn chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn kinh doanh hay sao? Tại
sao không thử áp dụng phương pháp này trong việc chuẩn bị một bài nói?
Tướng Grant tại Appomattox
Khi tướng Lee yêu cầu tướng Grant đưa ra những điều kiện đầu hàng, vị
tổng tư lệnh Liên quân quay ra hỏi tướng Parker tài liệu viết. Tướng Grant
ghi lại trong cuốn nhật ký của mình như sau: “Khi bắt đầu đặt bút viết, tôi
không biết bắt đầu như thế nào cả. Tôi chỉ biết trong đầu tôi định viết gì, và
tôi mong muốn thể hiện rõ được ý tưởng của mình để không có sự hiểu lầm
khi đọc.”
Thưa tướng quân Grant, ông không cần phải biết từ đầu tiên. Ông đã có ý
tưởng, ông đã có niềm tin. Ông có những điều mà ông rất muốn nói ra và
nói ra một cách rõ ràng. Kết quả là ngôn từ ông hay dùng quen thuộc tự
hiện ra trong trí óc ông. Điều này cũng đúng với tất cả những người khác.
Nếu bạn nghi ngờ nhận xét này, hãy xúc phạm một người nào đó và khi anh
ta đáp trả bạn sẽ thấy anh ta diễn đạt cảm xúc của mình rất mạch lạc và xúc
tích.
Hai nghìn năm trước đây, Horace đã viết
Đừng tìm kiếm ngôn từ, mà hãy chỉ tìm kiếm ý tưởng và dẫn chứng.
Và kết nối chúng lại thì ngôn từ sẽ tự khắc xuất hiện.
Sau khi bạn có ý tưởng rõ ràng trong đầu rồi, hãy tập dượt bài nói từ đầu
cho đến cuối: nhẩm trong đầu, suy nghĩ về bài nói khi bạn đang đợi một ấm
nước sôi, khi bạn đang đi trên phố, và khi bạn đang đợi thang máy. Hãy tìm
một căn phòng trống và đọc to bài nói cùng với các cử chỉ điệu bộ cần thiết,
cùng với năng lượng và sức sống. Canon Knox Little ở Canterbury thường
nói một nhà truyền giáo không bao giờ có thể nêu bật ý bài nói của mình trừ
khi ông ta diễn tập nó khoảng sáu lần. Vậy liệu bạn có thể hy vọng truyền
tải được nội dung bài nói của mình trừ khi bạn đã diễn tập bài đó nhiều lần?