4
KỂ CẢ KHI NĂM MƯƠI TRIỆU NGƯỜI CÙNG NÓI VỀ THỨ NGỚ
NGẨN NÀO ĐÓ, THÌ NÓ VẪN CỨ LÀ THỨ NGỚ NGẨN
Bằng chứng xã hội
B
ạn đang trên đường đến xem một buổi hòa nhạc. Ở một ngã tư, bạn bắt
gặp một đám người, tất cả đều chăm chăm nhìn lên trời. Không cần suy
nghĩ, bạn cũng ngước lên theo. Tại sao vậy? Bằng chứng xã hội. Giữa buổi
hòa nhạc, một ai đó bắt đầu vỗ tay và bất ngờ cả phòng vỗ tay theo. Bạn
cũng vậy. Vì sao? Bằng chứng xã hội. Sau buổi hòa nhạc, bạn đi đến quầy
gửi áo để lấy lại áo khoác. Bạn quan sát thấy những người phía trước bạn đặt
một đồng xu lên chiếc khay, mặc dù chính ra thì dịch vụ gửi đồ đã bao gồm
cả trong giá vé. Vậy bạn sẽ làm gì? Hẳn là bạn cũng sẽ để lại tiền tip.
Bằng chứng xã hội, đôi khi được gọi là “bản năng bầy đàn”, làm cho các
cá nhân cảm thấy như mình cư xử đúng khi hành động giống như những
người khác. Nói cách khác, càng có nhiều người theo đuổi một suy nghĩ cụ
thể, thì ta càng cảm thấy ý tưởng đó đúng đắn. Và càng nhiều người thể hiện
một cách hành xử cụ thể, thì cách hành xử ấy càng dễ được những người
khác đánh giá là phù hợp. Điều này, hẳn nhiên, là rất phi lý.
Bằng chứng xã hội chính là con quỷ nấp sau hiện tượng bong bóng kinh
tế và cơn hoảng loạn của thị trường chứng khoán. Nó hiển hiện trong ngành
thời trang, kỹ thuật quản trị, sở thích, tôn giáo và cả chế độ ăn uống. Nó có
thể làm tê liệt cả nền văn hóa, ví dụ như khi các nhóm tín đồ cực đoan tự sát
tập thể.
Một thí nghiệm đơn giản, do nhà tâm lý học huyền thoại Solomon Asch
tiến hành hồi thập niên 1950, chứng minh rằng áp lực từ những người xung