quanh có thể làm lệch lạc trí khôn của người ta như thế nào. Một đối tượng
thí nghiệm được cho xem một đường kẻ vẽ trên giấy, và bên cạnh đó là ba
đường kẻ khác - được đánh số 1,2, và 3 - một đường ngắn hơn, một đường
dài hơn, và một đường cùng chiều dài với đường kẻ đầu tiên. Anh ta hoặc cô
ta phải chỉ ra đường kẻ nào trong số ba đường tương đương với đường kẻ
đầu. Nếu đối tượng chỉ có một mình trong phòng, người đó sẽ đưa ra câu trả
lời đúng vì công việc này thực sự khá đơn giản. Thế nhưng năm người khác
lại bước vào phòng; họ đều là những diễn viên, nhưng đối tượng lại không
hề biết điều đó. Lần lượt hết người này đến người khác đều trả lời sai là
“đường số 1”, mặc dù sự thật hiển nhiên là đường số 3 mới là câu trả lời
đúng. Và rồi đến lượt đối tượng. Một phần ba trường hợp, người này sẽ trả
lời sai để trùng khớp với câu trả lời của những người kia.
Tại sao chúng ta lại hành động như vậy? Thực ra trong quá khứ, bắt
chước những người khác là một chiến lược hiệu quả để tồn tại. Giả sử năm
mươi ngàn năm trước nhóm người săn bắt-hái lượm của bạn đang đi trong
vùng đồng cỏ châu Phi, và bỗng nhiên tất cả bọn họ đều chạy mất. Bạn sẽ
làm gì khi đó? Liệu bạn có đứng yên một chỗ, gãi đầu gãi tai và đánh giá
xem liệu thứ bạn đang nhìn thấy có phải là một con sư tử hay chỉ là một con
vật hoàn toàn vô hại hao hao sư tử nhưng thực ra lại là nguồn cung cấp
protein dồi dào hay không? Không đâu, thể nào bạn cũng sẽ chạy thục mạng
theo sau mấy người kia thôi. Lát sau, khi đã an toàn rồi, bạn có thể ngồi nhớ
lại chuyện gì thực sự đã xảy ra. Những người hành xử khác đi - mà tôi chắc
chắn có một số người như thế - thì đã bị loại khỏi nguồn gen. Chúng ta là
hậu duệ trực tiếp của những người bắt chước cách hành xử của người khác.
Hình mẫu này đã ăn sâu vào chúng ta đến nỗi tận ngày nay chúng ta vẫn còn
dùng đến chúng, mặc dù nó chẳng hề đem lại một lợi thế sống còn nào. Tôi
chỉ nghĩ ra một số ít trường hợp trong đó bằng chứng xã hội tỏ ra có giá trị.
Ví dụ như khi bạn bị đói ở một thành phố lạ và không biết nhà hàng nào tốt,
thì bạn chọn nhà hàng nào có nhiều khách địa phương là điều dễ hiểu. Nói
cách khác, bạn bắt chước theo cách hành xử của dân địa phương.
Các chương trình hài và đối thoại trên truyền hình đều lợi dụng bằng
chứng xã hội bằng cách lồng tiếng cười thu âm sẵn vào những thời điểm