NGHỆ THUẬT TƯ DUY RÀNH MẠCH - Trang 90

Trong một thí nghiệm kinh điển năm 1972, người tham gia được chia làm

hai nhóm. Thành viên của nhóm thứ nhất hay tin họ sẽ được thử nghiệm sốc
điện nhẹ. Ở nhóm thứ hai, người tham gia được cho biết nguy cơ gây sốc
điện chỉ là 50%. Các nhà nghiên cứu đo lường mức độ lo lắng trên cơ thể
của họ (nhịp tim, vẻ căng thẳng, ra mồ hôi, vân vân) không lâu trước khi bắt
đầu. Kết quả thật đáng kinh ngạc: không hề có sự khác biệt gì. Người tham
gia ở cả hai nhóm đều bị căng thẳng như nhau. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu
thông báo một loạt các khả năng giảm sốc điện cho nhóm thứ hai: từ 50
xuống còn 20%, sau đó là 10%, rồi 5%. Kết quả: vẫn không khác biệt gì!
Tuy nhiên, khi họ tuyên bố sẽ tăng cường độ dòng điện, thì cấp độ lo lắng ở
cả hai nhóm đều tăng - vẫn với mức độ giống nhau. Điều này cho thấy
chúng ta phản ứng trước mức độ dự kiến của một sự kiện (quy mô của trò
may rủi hoặc cường độ dòng điện) chứ không phải là khả năng xảy ra nó.
Nói cách khác: chúng ta không có trực giác nắm bắt khả năng xảy ra.

Thuật ngữ thích đáng cho hiện tượng này là phớt lờ khả năng, và nó dẫn

đến các sai lầm trong quyết định. Chúng ta đầu tư vào các công ty khởi
nghiệp bởi vì lợi nhuận tiềm năng khiến chúng ta lóa mắt, nhưng chúng ta
quên mất (hoặc quá lười biếng) không điều tra về khả năng đạt tăng trưởng
của một doanh nghiệp mới thực ra rất mong manh. Tương tự, sau hàng loạt
tin tức về một vụ rơi máy bay, chúng ta hủy các chuyến bay mà không thực
sự xem xét khả năng rơi máy bay nhỏ đến mức nào (hiển nhiên là vốn không
hề thay đổi dù trước hay sau thảm họa kia). Các nhà đầu tư không chuyên thì
so sánh các vụ đầu tư của họ đơn thuần dựa trên lợi nhuận. Đối với họ, cổ
phiếu của Google với lãi suất 20% hẳn là có giá trị gấp đôi một tài sản sinh
lãi 10%. Như vậy là sai lầm. Sẽ khôn ngoan hơn nhiều khi ta đồng thời cân
nhắc rủi ro của hai cuộc đầu tư. Nhưng trái lại, chúng ta không hề có trực
giác với điều này, vì thế chúng ta thường không để tâm vào đó.

Quay lại với thí nghiệm sốc điện: trong nhóm B, khả năng bị sốc điện

được giảm xuống tiếp: từ 5% xuống 4% rồi 3%. Chỉ khi khả năng giảm
xuống bằng 0 thì nhóm B mới phản ứng khác so với nhóm A. Đối với chúng
ta, 0% rủi ro tuyệt đối tốt hơn so với 1% rủi ro (một khả năng cực thấp).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.