Để kiểm chứng, hãy xem xét hai phương pháp xử lý nước uống. Giả dụ
một dòng sông phân ra hai nhánh rộng như nhau. Một nhánh được xử lý nhờ
phương pháp A, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong vì nước nhiễm độc từ 5%
xuống còn 2%. Nhánh kia được xử lý bằng phương pháp B, giúp giảm nguy
cơ từ 1% xuống 0%, nghĩa là mối đe dọa hoàn toàn bị xóa bỏ. Vậy thì theo
A hay B? Nếu bạn suy nghĩ giống hầu hết mọi người, bạn sẽ chọn ngay
phương án B - mà như vậy rõ là ngớ ngẩn bởi với phương án A, số người
chết sẽ giảm 3%, còn với B, chỉ giảm được 1%. Phương án A tốt hơn gấp ba
lần! Lỗi tư duy sai lầm này được gọi là “thành kiến rủi ro bằng 0.”
Một ví dụ kinh điển của hiện tượng này là Đạo luật Thực phẩm Hoa Kỳ
ban hành năm 1958, trong đó cấm thực phẩm có chứa các chất gây ung thư.
Được ban hành để giảm nguy cơ ung thư xuống mức bằng không, luật cấm
này thoạt nghe rất hay, nhưng sau đó lại dẫn đến việc sử dụng những chất
phụ gia thực phẩm nguy hiểm hơn (mà không gây ung thư). Điều này cũng
thật vô lý: như Paracelsus chứng minh ở thế kỷ XVI, độc dược luôn luôn là
do liều lượng quyết định. Hơn nữa, luật này không bao giờ có thể được tiến
hành đúng chuẩn vì không thể nào loại bỏ hoàn toàn phân tử “bị cấm” khỏi
thực phẩm. Mỗi trang trại sẽ phải vận hành như một nhà máy sản xuất chip
máy tính siêu vô trùng, và chi phí của thực phẩm sẽ tăng lên một trăm lần.
Xét về kinh tế, rủi ro bằng không hiếm khi là hợp lý. Một trường hợp ngoại
lệ là khi hậu quả quá sức khủng khiếp, ví dụ như một virus dễ lây lan, gây
chết người thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học.
Chúng ta không hề có trực giác về rủi ro, và vì thế không giỏi phân biệt
các loại đe dọa. Mối đe dọa càng nghiêm trọng và chủ đề càng khuấy động
cảm xúc (chẳng hạn như hiện tượng phóng xạ), thì dường như việc giảm nhẹ
rủi ro càng khó làm chúng ta yên lòng. Hai nhà nghiên cứu tại Đại học
Chicago đã chứng minh con người sợ rủi ro bị nhiễm độc từ các loại chất
độc ở mức 99% ngang bằng với mức 1%. Một phản ứng bất hợp lý, nhưng
quá đỗi thường tình.